Phát hiện 16 ca nhiễm trên địa bản Tỉnh, phong tỏa thêm một khu vực ở huyện Tuy An.
Tối 8/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cho biết trong 24 giờ qua, Phú Yên ghi nhận 16 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Tuy Hòa 7 ca (1 ca là F1, 1 ca về từ TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay VJ206 ngày 6/11, khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, 2 ca về từ TP Hồ Chí Minh bằng xe khách ngày 2/11, khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà, 3 ca về từ Tây Ninh bằng ô tô ngày 31/10, khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà); TX Đông Hòa 3 ca (1 ca là F1 của bệnh nhân dương tính và điều trị tại Khánh Hòa, 2 ca về từ Đồng Nai bằng xe khách ngày 30/10, khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà); huyện Tuy An 3 ca (2 ca về từ TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai bằng xe khách ngày 6/11 và 7/11, khai báo y tế, được hướng dẫn cách ly tại nhà, 1 ca về từ TP Hồ Chí Minh bằng xe khách ngày 5/11, khai báo y tế và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà); TX Sông Cầu 3 ca (là F1).
Anh minh họa
Lực lượng chức năng vừa lấy mẫu 1.711 trường hợp, đã xét nghiệm 1.259 trường hợp, trong đó có 16 ca dương tính mới, đang chờ kết quả 452 trường hợp; lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 1.023 trường hợp, trong đó nghi ngờ 7 trường hợp, âm tính 1.016 trường hợp.
Tính đến thời điểm này, Phú Yên đã ghi nhận 3.181 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư, trong đó TP Tuy Hòa 1.653 ca, huyện Phú Hòa 532 ca, TX Đông Hòa 183 ca, huyện Tây Hòa 138 ca, huyện Tuy An 316 ca, TX Sông Cầu 96 ca, huyện Đồng Xuân 117 ca, huyện Sơn Hòa 90 ca, huyện Sông Hinh 49 ca, tỉnh khác 7 ca.
Theo phân tích tình hình F0 của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong 14 ngày, Phú Yên phát hiện 2 ca nhiễm qua sàng lọc cộng đồng, 38 ca nhiễm là F1, trong khu cách ly, khu phong tỏa; 44 ca nhiễm từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về địa phương.
Huyện Tuy An vừa phong tỏa 1 khu vực. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu vực phong tỏa, ở TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Tuy An và TX Sông Cầu.
Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, vừa có thêm 3 bệnh nhân bình phục xuất viện, ở huyện Phú Hòa (1 người) và huyện Tây Hòa (2 người). Tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục xuất viện trong đợt dịch thứ tư là 3.066 người. Tại các cơ sở y tế có 80 F0 đang cách ly, điều trị, trong đó có 1 ca nặng - nguy kịch, đang thở máy xâm lấn, 1 ca viêm phổi nặng, 78 ca có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ngành Y tế Phú Yên tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo quy định. Đến 17 giờ ngày 7/11, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 565.599 người, chiếm tỉ lệ 83,3% so với dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 182.095 người tiêm đủ 2 mũi, chiếm tỉ lệ 26,82% so với dân số từ 18 tuổi trở lên.
Xét nghiệm PCR miễn phí cho khách đến và người dân trở về từ các tỉnh vùng dịch
Đồng chí Trần Hữu Thế phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: minh họa
Ngày 8/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao ban trực tuyến với các địa phương, đơn vị, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp trực tuyến được kết nối đến các xã, phường, thị trấn.
Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thời gian gần đây khi thực hiện mở cửa, phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, các ca nhiễm chủ yếu là người đến từ các tỉnh có dịch.
Báo cáo tại hội nghị giao ban, các ngành, địa phương cho biết hiện nay các hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số hoạt động khác đã trở lại theo tinh thần thích ứng, linh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có biểu hiện lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Để kiểm soát nguồn lây từ ngoài tỉnh vào, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế giao Sở GT-VT và Sở Y tế tham mưu sớm phương án thực hiện lấy mẫu xét nghiệm PCR (mẫu gộp) đối với tất cả các hành khách đến Phú Yên tại sân bay, bến xe, ga tàu. Đối với các địa phương, tổ chức lại hoạt động tổ COVID cộng đồng, giám sát chặt chẽ, có người về từ vùng dịch bằng phương tiện cá nhân phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngay. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, những người tiêm hai mũi vắc xin hoàn toàn có thể dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành trung gian lây bệnh. Việc lấy mẫu xét nghiệm không có nghĩa là làm phiền, mà là biện pháp cần thiết kiểm soát dịch trong thời gian thực hiện thích nghi, linh hoạt.
Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú có khách lưu trú, người ngoài tỉnh đến công tác phải báo thông tin với cơ quan quản lý nhà nước hoặc chính quyền địa phương để quản lý thông tin; đồng thời thực hiện nghiêm việc quét mã QR. Người lao động tại các nhà hàng, khách sạn - đối tượng tiếp xúc với khách ngoài tỉnh, có yếu tố dịch tễ cần được tổ chức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Đối với việc học sinh trở lại trường, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu giữ đúng nguyên tắc “an toàn mới trở lại trường”, thí điểm từng khối lớp, cấp học; giáo viên phải tiêm đủ hai mũi mới đứng lớp. Học sinh là nhóm nguy cơ lây nhiễm cao khi chưa được tiêm vắc xin, nên phải hết sức thận trọng. Ngành Giáo dục sớm triển khai hỗ trợ chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo thứ tự ưu tiên theo từng nhóm đối tượng với các tiêu chí cụ thể, công khai.
Ngành LĐ-TB-XH và địa phương tiếp tục rà soát các đối tượng hỗ trợ, thực hiện nhanh hơn nữa việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Xây dựng phương án hỗ trợ công dân trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm việc; đối với lao động có nguyện vọng ở lại địa phương có phương án đào tạo nghề, hỗ trợ vốn… Theo Sở LĐ-TB-XH, trong tổng số lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, có 54% muốn trở lại làm việc, 46% lao động muốn ở lại làm việc tại địa phương.
Giải thể Bệnh viện Dã chiến Đông Hòa
Bệnh viện dã chiến Đông Hòa. Ảnh minh họa.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa điều hành các hoạt động của Trung tâm theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Y tế cấp huyện; sắp xếp, phân luồng, bố trí khu vực phù hợp để tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch, khám, chữa bệnh Covid-19 trên địa bàn; giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến hoạt động của Bệnh viện Dã chiến Đông Hòa theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó ngày 27/6, Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa chuyển trạng thái hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đa khoa sang khám bệnh, chữa bệnh COVID-19. Bệnh viện có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với quy mô 100 giường bệnh.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Yên
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, Bộ Y tế thông tin đến các đại biểu những vấn đề liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trên cả nước và tình hình dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục trong toàn quốc; đồng thời hướng dẫn việc đảm bảo phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên; cách xử lý các tình huống nghi mắc Covid-19 trong nhà trường…
Theo kế hoạch, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình hạ dần độ tuổi, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tiến độ cung ứng vắc xin và độ bao phủ vắc xin… đảm bảo tối đa 95% trẻ em chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 được tiêm chủng đủ số liều cơ bản; loại vắc xin sử dụng là Pfizer/Moderna.
Các địa phương có thể xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm chủng lưu động và trường học đối với địa bàn tổ chức học tập trung tại trường.
Đồng chí Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở ngành dự hội nghị
Bộ Y tế cho biết,Bộ đã xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi; chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để phụ huynh học sinh và xã hội hiểu, đồng thuận, hưởng ứng chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em; Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi và phối hợp với ngành GD&ĐT rà soát, lập danh sách trẻ từ độ tuổi 12-17 tuổi để phục vụ cho việc tiêm phòng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở GD&ĐT các địa phương phối hợp rà soát và yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ với cốt lõi là “thích ứng, linh hoạt, an toàn”; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá cấp độ dịch để quyết định hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh đảm bảo sự phù hợp; kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng phải làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch, kế hoạch xử lý đối với tình huống xuất hiện F0 của từng trường.
Đối với vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Sở GD&ĐT, Sở Y tế các địa phương cùng UBND cấp xã rà soát, thống kê, lập danh sách không để sót trẻ từ 12-17 tuổi; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để phụ huynh học sinh, người dân thấy được lợi ích, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Học sinh đến trường học trực tiếp phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách tiếp tục được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.
Nguồn: http://baophuyen.com.vn/