Trong tổng thể phát triển kinh tế của Phú Yên giai đoạn vừa qua, không khó để nhận ra vai trò quan trọng của các ngành kinh tế mũi nhọn là nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Đến những năm gần đây, một số thế mạnh khác được tập trung khai thác là công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đồng thời định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp với hàm lượng chất xám cao.
Gành Đá Đĩa - địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên.
Nhận diện tiềm năng
Không phải ngẫu nhiên mà trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đưa ra tại Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có tới 2 nhiệm vụ liên quan đến các ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững; và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Dựa trên thế mạnh, tiềm năng và lĩnh vực sản xuất truyền thống của người dân Phú Yên, qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội trước, Phú Yên luôn xác định các mũi nhọn kinh tế để nâng cao đời sống người dân và tiến dần lên hiện đại, tăng cường hội nhập, khẳng định vị thế của địa phương qua những lợi thế so sánh. Việc này không những thúc đẩy kinh tế - xã hội Phú Yên phát triển bền vững, mà còn trở thành trọng tâm để Phú Yên tiếp tục triển khai lên tầm cao mới ở nhiệm kỳ lãnh đạo mới.
Theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành nông nghiệp có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng bình quân 3,9%/năm. Từ thuần nông, Phú Yên đã có bước đột phá trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiến hành cơ cấu lại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Nhờ vậy, cơ cấu ngành đã chuyển dịch tích cực, theo hướng phát huy lợi thế so sánh của ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tiếp tục được quan tâm triển khai, tạo điều kiện để ngư dân bám biển sản xuất, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Sản lượng thủy sản tăng trưởng khá qua các năm, với năm 2020 dự kiến đạt khoảng 75.000 tấn, tăng 18,3% so với năm 2015. Dự báo, năm 2020, tỷ trọng thủy sản chiếm 38,1%, trong khi tỷ trọng của nông - lâm nghiệp giảm còn 61,9% trong cơ cấu ngành.
Phía Nam Phú Yên đang hình thành những khu đô thị mới, mang hơi hướng của thành phố du lịch trong tương lai.
Xem thêm: Khu đô thị ven biển Tuy Hòa
Xem thêm: VƯỜN PHƯỢNG HOÀNG PHÚ YÊN
Xem thêm: The Seahara Phú Yên
Tiếp đến, công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,8%/năm. Đạt được kết quả này là nhờ Phú Yên đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai và đưa vào hoạt động một số nhà máy sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm mới, như nhà máy sản xuất đồ hộp công suất 6.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất phân bón NPK tạo hạt bằng công nghệ tháp cao với công suất 60.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử công suất 500 triệu sản phẩm/năm, các nhà máy sản xuất viên nén gỗ công suất 180.000 tấn viên nén/năm... Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt gần 77%.
Nhiều dự án nhà máy thủy điện, điện sinh khối và điện năng lượng mặt trời được đẩy mạnh đầu tư và đưa vào hoạt động, với tổng công suất 462 MW, nâng tổng công suất các nhà máy phát điện trên địa bàn tỉnh lên 834,3 MW.
Hoạt động xây dựng diễn ra khá sôi động với nhiều công trình lớn, trọng điểm, cùng các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch được triển khai thi công, nhất là trên địa bàn TP. Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa.
Du lịch và dịch vụ là những ngành có chuyển biến khá rõ nét trong giai đoạn vừa qua nhờ kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư và đã thu hút được nguồn vốn đầu tư đáng kể. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, lượng khách du lịch tăng khá qua các năm. Tổng lượng khách du lịch năm 2019 đạt 1,83 triệu lượt, gấp hơn 2 lần so với năm 2015; tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2019 đạt hơn 2.200 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015.
Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030. Đây là tiền đề để Phú Yên tập trung đầu tư liên kết với Quy Nhơn (Bình Định) tạo ra không gian du lịch rộng lớn, đa dạng và hấp dẫn.
Tiếp tục tập trung khai thác thế mạnh
Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên giai đoạn 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 20,09%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,43%, dịch vụ chiếm 44,09%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 3.830 USD (tương đương 88 triệu đồng). Quy hoạch Phát triển Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu là ngành du lịch từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.
Với Khu kinh tế Nam Phú Yên, dựa trên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Phú Yên cũng đặt ra yêu cầu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực...
Trong khi đó, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phấn đấu giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng bình quân 3,5 - 4%/năm. Đặc biệt, từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Chú trọng phát triển kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi. Khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Công nghiệp và xây dựng phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, tạo đột phá thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu giá trị gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân trên 10%/năm.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, cả đầu tư công và tư. Duy trì tỷ trọng đầu tư công hợp lý trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đi đôi với tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan tâm thu hút các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương, để phục vụ đầu tư phát triển. Phấn đấu trong 5 năm tới, huy động khoảng 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó vốn ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 65.000 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có hàm lượng công nghệ cao, nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục...
"Phú Yên có lợi thế lớn về địa chiến lược, là cửa ngõ ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có địa phận trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam" - TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn vùng miền Trung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ