Dự án Nút giao thông đường số 2, Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (TP Tuy Hòa) có vốn đầu tư hơn 550 tỉ đồng đang đượợc thi công. Ảnh: NGỌC THẮNG
Giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ coi là 1 trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Sau nhiều tháng trong tình trạng trì trệ, tiến độ giải ngân vốn đã được đẩy nhanh.
Đạt hơn 42% kế hoạch năm
Bộ KH-ĐT cho biết, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong năm 2020 dự kiến gần 700.000 tỉ đồng, gồm 470.600 tỉ đồng trong dự toán năm và 225.200 tỉ đồng chuyển tiếp từ năm 2019.
Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước ước giải ngân gần 159.400 tỉ đồng, chỉ đạt 33,9% kế hoạch; trong đó vốn trong nước trên 145.270 tỉ đồng (đạt 37,6% kế hoạch), vốn nước ngoài gần 7.062 tỉ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trên 7.065 tỉ đồng (đạt 25,9% kế hoạch). Nhờ triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đến tháng 7 các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân 20.300 tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm.
Đối với Phú Yên, tổng kế hoạch vốn Trung ương giao cho tỉnh đầu năm 2020 hơn 4.261 tỉ đồng, vốn tỉnh giao hơn 7.486 tỉ đồng (chưa tính nguồn vốn huy động từ nhân dân, đóng góp, vốn khác… 28,9 tỉ đồng); giá trị giải ngân đạt 1.495 tỉ đồng, bằng 33% kế hoạch vốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, chẳng hạn như: Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần bảo đảm để cơ quan tài chính hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước về giá trị tài sản công đối với giá trị tài sản công thanh toán; ghi chi tạm ứng ngân sách tương ứng với giá trị tài sản công đã thanh toán để thực hiện dự án BT trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán và xác định trách nhiệm các bên liên quan. Do đó, nhiều địa phương đang gặp vướng mắc vì chưa thực hiện ghi thu, ghi chi cho các dự án BT năm 2020.
Ngoài ra, có một thực tế là dự án càng lớn, càng khó xây dựng kế hoạch và khó trong việc giải phóng mặt bằng, nhất là trong khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đã khó, việc giải phóng mặt bằng với nhiều dự án còn thách thức lớn hơn. Có nhiều vướng mắc phát sinh trong việc này, từ việc kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù bảo đảm đúng, đủ theo quy định pháp luật...
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án những tháng đầu năm chậm...
Lãnh đạo Sở KH-ĐT Phú Yên cho biết, tỉ lệ giải ngân vốn của Phú Yên đạt thấp là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán nhiều dự án lớn gặp nhiều vướng mắc. Một số dự án sử dụng vốn dự phòng chung ngân sách Trung ương và nguồn vốn khoản 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm vốn cho các dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ.
Nhà thầu thi công Hồ điều hòa Hồ Sơn, TP Tuy Hòa, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: QUANG THUẦN |
Quyết liệt vào cuộc
Dịch COVID-19 đang quay trở lại lần thứ 2 và đang diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai nhiều dự án. Vì vậy, mỗi đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán để tìm cách rút ngắn thời gian; tạo điều kiện thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch vốn năm 2020, tỉnh Phú Yên đang tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là tăng cường quản lý, giám sát trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tránh tình trạng thiếu minh bạch, sai quy định dẫn đến kiện tụng, vướng mắc, gây mất lòng tin, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân và tiến độ triển khai các dự án. Trường hợp giải ngân vốn không đạt tiến độ theo kế hoạch thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020. Đến hết tháng 8 này tỉnh giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, một phần lý do của năm nay chậm giải ngân là việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được áp dụng điều khoản chuyển tiếp, tức là có 2 năm để thực hiện. Kế hoạch năm 2020 chưa giải ngân hết thì có thể chuyển sang 2021, nên có tâm lý thảnh thơi. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, theo quy định mới nếu bộ, ngành, địa phương nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị “cắt vốn”, giảm kế hoạch. Vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải tính toán cẩn thận, lập kế hoạch hợp lý ngay từ đầu.
Phú Yên là tỉnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai các dự án chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã giao cho địa phương và các nguồn dự phòng khác trong năm 2020 để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại hội nghị trực tuyến về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vừa tổ chức, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong giải nhân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước nhanh chóng hồi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19. Vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.
Chúng ta phải quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Do đó, các bộ trưởng, lãnh đạo ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
QUANG THUẦN