Trong tháng 6/2020, thị trường chứng khoán và thị trường vàng đã hồi phục gần ngang bằng với thời điểm trước dịch nhưng vẫn còn nhiều biến động phức tạp. Tính đến thời điểm 1/7/2020, thị trường chứng khoán đã đạt mốc 829 điểm, gần bằng mốc 891 điểm trước dịch bệnh. Thị trường vàng thường là nơi trú ẩn của các nhà đầu tư trong thời gian khủng hoảng, tuy vậy giá vàng không có biến động đáng kể khi chỉ tăng 6% từ tháng 3 đến tháng 6/2020.
Trong Q2/2020, mức độ quan tâm tăng 32% và tổng lượng tin đăng toàn trang Batdongsan.com.vn tăng 4% so với Q1/2020. Trong khoảng thời gian Chính phủ ban hành quy định về giãn cách xã hội, lượng tin đăng giảm đáng kể nhưng đã phục hồi trở lại, tăng tới 120% so với những ngày đầu giãn cách. Điều này phản ánh nguồn cung của toàn thị trường dần phục hồi, đặc biệt từ thời điểm đầu tháng 5/2020.
Theo nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, trong Q2/2020, lượng tin đăng loại hình chung cư, nhà riêng gần như phục hồi trong khi lượng tin đăng đất nền và nhà phố mới chỉ phục hồi 70-80% so với cùng kì năm ngoái.
Chỉ số giá BĐS tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ít có sự biến động trong Q2/2020. Trong khi ở thị trường Hà Nội, chỉ số giá giảm 1 điểm phần trăm so với Q1/2020, chỉ số giá BĐS tại TP.HCM tăng nhẹ 1,3 điểm.
1. CHUNG CƯ
Trong Q2/2020, loại hình chung cư đón nhận 7 dự án mới trên cả nước và có lượng tin đăng tăng trưởng 2% và mức độ quan tâm tăng 25% so với Q1/2020. Trong đó, phân khúc bình dân tiếp tục có mức tăng trưởng mức độ quan tâm lớn nhất trong các phân khúc, đạt mức tăng trưởng 25% ở Hà Nội và 33% ở TP.HCM so với quý trước.
Giá rao bán chung cư tại TP.HCM và Hà Nội tiếp tục ổn định trong Q2/2020. Tại cả 2 thành phố, phân khúc chung cư bình dân tăng nhẹ khoảng 1% so với Q1/2020, lần lượt đạt 24,8 triệu VND/m² tại Hà Nội và 31,8 triệu VND/m² tại TP.HCM.
Trong Q2/2020, thị trường bất động sản nhà mặt phố cho thuê tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm giá. Tại Hà Nội, các căn nhà mặt phố có mức giá thuê sụt giảm đáng kể tập trung tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy. Thị trường TP.HCM ghi nhận mức giảm còn mạnh hơn so với thị trường Hà Nội. Đứng đầu trong các quận có giá thuê giảm mạnh nhất là Quận 1 (-16%), sau đó đến quận Tân Phú (-15%) và quận Bình Thạnh (-14%).
Thị trường nhà riêng cũng ghi nhận giảm giá thuê tại hầu khắp các quận huyện. Tại Hà Nội, quận có giá thuê giảm mạnh nhất là quận Hoàng Mai (-12%), sau đó đến quận Đống Đa (-8%). Đối với thị trường TP.HCM, giá thuê các căn nhà riêng sụt giảm mạnh nhất ở các quận trung tâm, điển hình là Quận 1 (-12%). Một số quận nổi bật khác cũng ghi nhận giá thuê giảm như quận Bình Thạnh (-5%), quận Bình Tân (-2%) và quận Gò Vấp (-2%).
GIÁ RAO BÁN NHÀ RIÊNG, NHÀ MẶT PHỐ
TĂNG GIẢM KHÔNG ĐỒNG ĐỀU TẠI CÁC KHU VỰC
Không giống như thị trường cho thuê, thị trường bất động sản nhà mặt phố bán ghi nhận xu hướng tăng giảm giá không đồng nhất tại các khu vực. Cụ thể, tại Hà Nội, xu hướng tăng giá rao bán được ghi nhận ở hầu hết các quận tiêu biểu như quận Cầu Giấy (+3%), quận Hai Bà Trưng (+2%), quận Hà Đông (+2%), và quận Thanh Xuân (+1%). Trái lại, đối với thị trường TP.HCM, trong khi giá rao bán cũng tăng tại một số quận như quận Gò Vấp (+2%), quận Bình Thạnh (+2%), chỉ số này lại giảm nhẹ tại các quận: Tân Phú và Quận 1.
Cùng chung xu hướng với thị trường nhà mặt phố bán, thị trường nhà riêng cũng có giá rao bán tăng giảm không đồng đều tại các khu vực. Tại Hà Nội, so với Q1/2020, các căn nhà riêng đứng giá tại quận Thanh Xuân và quận Long Biên, hoặc chỉ giảm nhẹ như tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai và Đống Đa. Trong khi đó, đối với thị trường TP.HCM, giá rao bán vẫn tăng nhẹ tại một số quận như Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp, nhưng lại ghi nhận mức giảm tương đối tại một số quận khác như Quận 12 (-4%) và Bình Tân (-2%).
Sự phát triển của nền kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 phụ thuộc rất lớn vào (1) việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của chính phủ và (2) sự hồi phục kinh tế của các đối tác thương mại. Kịch bản lạc quan khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,4 – 5,2% sẽ khó xảy ra nếu có xảy ra đợt dịch bùng phát thứ 2 tại Việt Nam và số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu chưa giảm xuống.
Đối với thị trường BĐS Việt Nam, sự suy giảm chung của nền kinh tế sẽ dẫn tới sự suy giảm trong giá và lượng giao dịch BĐS. Dự báo thị trường 6T/2020 sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Các loại hình BĐS để ở, có mức giá vừa phải sẽ duy trì được giao dịch và giá trong thời gian tới.
Nguồn: batdongsan.com.vn