Vốn đã ảm đạm, hàng loạt cửa hàng đóng cửa trước đó thì mới đây UBND Tp.HCM có công văn khẩn gửi 24 quận, huyện về việc tạm dừng hàng loạt hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán bar…. trên địa bàn TP. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ông chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê.
Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ trên các tuyến phố lao dốc
Theo ghi nhận, hàng loạt mặt bằng kinh doanh nhiều tuyến đường ở trung tâm và ven trung tâm Tp.HCM trước đây được khách thuê săn đón thì nay bỏ trống. Chủ nhà treo bảng cho thuê cả tháng cũng không có ai hỏi thăm vì dịch Covid-19. Giá ghi nhận đang có xu hướng biến động giảm mạnh.
Liên hệ lại số điện thoại cho thuê mặt bằng tại Q.Phú Nhuận (Tp.HCM) mà trước đó ghi nhận chủ nhà này chỉ giảm “chút đỉnh” để có khách thuê sau khi khách cũ trả mặt bằng thì được biết, hiện giá thuê đã giảm 15 triệu đồng/tháng cho diện tích rộng 70m2.
Trước đó 3 tuần, chủ nhà vẫn khăng khăng 60 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi sao “hạ giá” nhanh vậy, chủ mặt bằng này cho biết, rao thuê gần 2 tháng nay chưa có khách thuê, dịch bệnh lại đang diễn biến phức tạp nên “mạnh tay” để có khách thuê nhưng có vẻ cũng khó trong bối cảnh này.
Tương tự, một chủ nhà đang sở hữu mặt bằng đã trống gần 1 tháng nay trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) hiện đã giảm giá thuê từ 40 triệu đồng/tháng xuống còn 30 triệu đồng/tháng nhưng có vẻ cũng không thể tìm được khách thuê vì cả TP đang lo chống dịch.
Một chủ mặt bằng có diện tích hơn 130m2 tại đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận trước đó khảo sát đã hạ giá thuê từ 10.000 USD xuống còn 7.500 USD, đến nay, liên hệ lại chủ mặt bằng này vẫn chưa tìm được khách thuê. Và giá thuê thương lượng, chủ này giảm thêm 1.000 USD, tức còn 6.500 USD cho ai thiện chí thuê.
Than thở với chúng tôi, chị H, chủ mặt bằng diện tích 150m2 tại đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh cho biết, khách thuê của chị đã dừng kinh doanh và trả mặt bằng nửa tháng nay, hiện chị đã treo biển cho thuê nhưng chưa tìm được. Khi TP ra thông báo khẩn đóng hàng loạt các hoạt động giải trí, vui chơi, cửa hàng… thì có lẽ cũng đành bỏ trống ở giai đoạn dịch bệnh này.
Theo khi nhận, khoảng tháng 2/2020 khi dịch mới khởi phát tại Việt Nam thì mức độ ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ chưa đáng kể. Khảo sát thời điểm giữa tháng 2, hầu hết các chủ mặt bằng khi được hỏi không có động thái hạ giá, có chăng chỉ một số giảm “chút đỉnh” để có khách thuê. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì có lẽ việc giảm giá đã trở thành một phương án duy nhất để chủ nhà có được khách thuê và giữ khách thuê trong bối cảnh dịch bệnh.
Khoảng 2-3 tuần nay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lan diện rộng ở các đô thị thì đây mới là thời điểm mà BĐS bán lẻ “thấm đòn”. Những quán hàng nhà phố lẻ tại khu trung tâm TP đến các mặt bằng bán tại TTTM đều lần lượt đóng cửa. Nếu trước đó tỉ lệ đóng cửa chỉ khoảng 3-5% trên một tuyến đường thì hiện tại đã tăng lên gấp 2-3 lần do tác động của Covid-19. Không chỉ kinh doanh ế ẩm, thua lỗ đành trả mặt bằng mà những quán xá cố bám trụ qua mùa dịch cũng phải đành đóng cửa do lệnh của TP tập trung trống dịch, hạn chế đông người.
Đầu tháng 3/2020 khi khảo sát, lượng khách của các cửa hàng ăn uống giảm 30-40% vào ngày thường, trong khi cuối tuần giảm đến 50 - 60%. Và trong khoảng 2 tuần nay thì lượng khách đến tụ tập ăn uống tại các cửa hàng, TTMD chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đã khiến các khách thuê khó trụ nỗi. Nhiều hộ kinh doanh cho biết, trong thời điểm bán buôn không tốt, nếu kéo dài tổn thất càng lớn. Cho nên trả mặt bằng, chấp nhận thua lỗ là những cách mà người kinh doanh đang phải đương đầu ở giai đoạn này.
Đặc biệt, tính đến giai đoạn giữa và cuối tháng 3/2020 khi Chính phủ bắt đầu chính thức phát hành các loại công văn yêu cầu các nhà bán lẻ về mảng giải trí phải tạm ngưng hoạt động và khuyến cáo người dân ở nhà, hạn chế ra chỗ đông người thì tình hình bán lẻ lại trở nên tồi tệ nghiêm trọng hơn nữa mặc dù trước đó tỉ lệ doanh thu của hầu hết các ngành hàng bán lẻ (trừ các ngành kinh doanh liên quan đến sức khỏe, y tế và tiêu dùng hàng ngày) đều đã sụt giảm đến mức chạm đáy, giảm 50-90% so với thời điểm trước dịch. Hàng loạt mặt bằng bị trả lại và bỏ trống vì doanh nghiệp không thể cầm cự được qua thời kỳ khủng hoảng.
Và khi người thuê trả mặt bằng thì những chủ thuê cũng lao đao không kém, vừa “đứt đoạn” doanh thu, vừa khó tìm khách thuê để lấp trống mặt bằng.
Làm gì để tự cứu mình?
Giảm giá thuê mặt bằng, chuyển hướng đưa trung tâm thương mại qua làm văn phòng... là cách mà một số doanh nghiệp, cá nhân đang thực hiện để hỗ trợ đối tác cũng là để tự cứu mình trong mùa dịch Covid-19.
Theo Savills, sự bùng phát dịch Covid-19 là bước ngoặc mà tại điểm này các chủ kinh doanh ẩm thực đưa ra định hướng kinh doanh, trong khi chủ nhà phố cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn. Trong thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh.
Đối với các nhà phố rao thuê tại các khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (Quận 1), nguyên nhân khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do yêu cầu thuê nguyên căn; thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ.
Để thu hút khách thuê, theo Savills, chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn. Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá thuê; như một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê đến khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích (CVS).
Tuy vậy, ở bối cảnh này, bên cạnh các chủ mặt bằng giảm giá thuê để giữ khách thì nhiều người cũng “méo mặt” vì mãi không tìm được khách thuê, đành chấp nhận bỏ trống mặt bằng và chỉ còn cách là chờ dịch qua đi.