Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo giảm một loạt lãi suất, bắt đầu từ hôm nay, 17-3, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
NHNN không áp trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên mà các ngân hàng thương mại tự ấn định.
Bên cạnh đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.
Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.
Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng là 0%/năm.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã liên tiếp giảm mạnh lãi suất điều hành, về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho rằng làn sóng nới lỏng toàn cầu đang được kích hoạt. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay đã có thêm 20 nước giảm lãi suất điều hành từ 25-100 điểm phần trăm trong đó có Anh, Canada, Úc, Hồng Kông.
Nếu tính từ giữa 2019 đến nay, lần giảm lãi suất này đã là đợt giảm thứ 3 và 4 của các NHTW, vùng lãi suất điều hành hiện tại đã rất thấp: Mỹ 1-1.25%; Anh 0.25%; EU 0%; Úc 0.25%; Canada 1.25%... thậm chí lãi suất âm 0.1% đã được duy trì trong một thời gian dài ở Nhật Bản.
Tại Việt Nam, các gói tín dụng với tổng trị giá 285 nghìn tỉ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm cũng đang được các NHTM triển khai với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Tuy vậy, việc hấp thụ gói tín dụng này sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ”, theo SSI.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm chỉ đạt 0,06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỉ đồng được giải ngân trong hai tháng qua. Ở thời điểm hiện tại, NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ hết sức thận trọng, điều tiết cung tiền chặt chẽ qua thị trường mở.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Bên cạnh hạ lãi suất điều hành, báo cáo của SSI cũng đề cập đến việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công như một giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế.
Cụ thể, Chính phủ đã chuyển đổi 3 trong 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của dự án đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội quyết định để khởi công trong tháng 8/2020. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án chuyển đổi là 33.610 tỉ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư của 8 dự án PPP hiện tại (88.234 tỉ đồng).
Việc chuyển sang đầu tư 100% từ vốn ngân sách sẽ giúp các dự án nhanh chóng được triển khai vì các dự án theo hình thức PPP thường bị trì hoãn do các NHTM không muốn cho vay.
Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đang gửi xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.
Theo đó, gia hạn thuế giá trị gia tăng phải nộp trong quý 1 và 2/2020 đến trước 31/12/2020, ước tính khoảng 22.600 tỉ đồng; gia hạn thuế đất phải nộp đầu kỳ năm 2020 đến trước 31/10/2020, ước tính khoảng 4.500 tỉ đồng; gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân 2020 của cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng đến trước 15/12/2020, ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng. Tổng giá trị thuế được gia hạn là 30.100 tỉ đồng.
Theo SSI Research, các Chính Phủ đều đang dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù chưa thể chắc chắn dịch bệnh sẽ lây lan ra sao và ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu như thế nào, kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020.
Các nền tảng vĩ mô của Việt Nam như tỷ giá, lạm phát vẫn đang được giữ vững. Các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8%, nhưng điều quan trọng là Việt Nam đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai.