Xã Hòa Định Đông, nơi quân và dân ta liên tiếp tấn công địch trong tháng 3/1975. Ảnh: LẠC VIỆT
Cách đây 20 năm, trong cuộc dã ngoại về thăm lại chiến trường xưa ở suối Đá Bàn (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) - nơi hội quân trong đêm 30/3, chuẩn bị tổng tiến công giải phóng TX Tuy Hòa, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975, rất nhiều chứng nhân lịch sử, trong đó có đồng chí Cao Kỳ Trí (tức Ba Diệu, Xuân Diệu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trúc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2… ôn về những ngày tháng cuối của cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng tỉnh nhà, thống nhất đất nước trên quê hương Phú Yên yêu dấu. Chiến thắng kỳ vĩ và chói lọi 1/4/1975 có sự đóng góp của quân và dân Tuy Hòa 2 (nay là TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa).
Theo cố Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Kỳ Trí, để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1975, từ ngày 25-27/2/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp đề ra chủ trương: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, khắc phục mọi khó khăn, tập trung cao độ giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975, nhằm góp phần cùng toàn miền, tiến tới hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong thời gian ngắn nhất”. Ban Thường vụ và Ban chỉ huy Tỉnh đội xác định: “Hướng trọng điểm là huyện Tuy Hòa 1, hướng thứ yếu là huyện Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa”.
Tư tưởng chỉ đạo của hoạt động tác chiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là: “Bí mật, khẩn trương, chuẩn bị chu đáo, nắm chắc địch - ta, tranh thủ thời cơ và tạo thời cơ, tiến công kiên quyết và triệt để, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch. Nghi binh giỏi, tạo điều kiện căng kéo địch trên từng hướng, tập trung lực lượng hợp lý trên từng khu vực, bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu, đợt đầu, hiệu suất chiến đấu cao, hiệu quả hoạt động tác chiến lớn, hạn chế thương vong của ta đến mức thấp nhất, thực hiện càng đánh càng mạnh, càng dẻo dai trường sức”.
Tiêu diệt địch trên hướng trọng điểm
Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Khu ủy 5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thành lập Sở chỉ huy cơ bản, Sở chỉ huy tiền phương và Ban chỉ huy hướng thứ yếu để phục vụ cho tác chiến Xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Theo đó, Ban chỉ huy hướng thứ yếu do đồng chí Cao Kỳ Trí phụ trách. Thành viên có các đồng chí Trịnh Tấn Lực, Bí thư TX Tuy Hòa; Nguyễn Văn Trúc, Bí thư huyện Tuy Hòa 2; Đặng Văn Nhơn, Tỉnh đội phó phụ trách quân sự; Lê Xưng, Tham mưu phó Tỉnh đội; Nguyễn Ngọc Khánh, Tiểu đoàn trưởng 96…
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo hoạt động tác chiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên hướng trọng điểm, mở màn hoạt động tác chiến Xuân 1975 chiến trường Tuy Hòa 2 là trận tập kích cứ điểm Núi Tranh (Hòa Quang). Ban chỉ huy Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho Đại đội đặc công 202 tập kích cứ điểm này do Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn bảo an 220 của địch chốt giữ. Đúng 0 giờ 45 ngày 17/3/1975, lực lượng ta chia làm 3 mũi, tấn công trên 3 hướng đồng loạt dùng bộc phá B40, B41 mở cửa tiêu diệt các mục tiêu.
Sau 45 phút chiến đấu, ta diệt gọn 2 trung đội và Ban chỉ huy đại đội địch; tiêu diệt và làm bị thương 52 tên, bắt 1 tên, thu một số vũ khí, quân trang, quân dụng. Tiếp đó, Tiểu đoàn 96 tiến công và bắt gần hết số binh lính Đại đội 222 của Tiểu đoàn 220 đến ứng cứu cho đồng bọn. “Đây là đòn mở đầu cho hoạt động tác chiến Xuân 1975 trên hướng trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc động viên, khích lệ các đơn vị bước vào chiến đấu với khí thế thắng lợi”, đồng chí Nguyễn Văn Trúc khẳng định.
Trên địa bàn xã Hòa Định, đề phòng ta tấn công TX Tuy Hòa sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, địch đã bố trí ở đây một đại đội bảo an, quân số khoảng 75 tên, kết hợp với 1-2 trung đội dân vệ, bọn tề điệp, hội đồng xã, thường xuyên hoạt động từ đèo Dinh Ông xuống chợ Phong Niên (Hòa Thắng) phòng giữ, chủ yếu là khu vực từ cầu Lò Giấy đến cầu Đúc. Tiểu đoàn 96 đã bất ngờ áp sát, nhanh chóng hình thành thế trận bao vây địch.
Theo người dân địa phương, cầu Lò Giấy thuộc thôn Định Thọ, xã Hòa Định, bắc qua mương dẫn thủy, dài 7m, rộng 4m. Địch lợi dụng thành cầu làm vật che đỡ, kết hợp với khu núi Đất, bờ Thành Hồ phía tây xóm Lò Giấy để tổ chức phòng ngự dã ngoại.
Đúng 5 giờ ngày 17/3/1975 phát hiện địch tổ chức phòng ngự tại cầu Lò Giấy, các đại đội, trung đội của Tiểu đoàn 96 nhanh chóng vận động vượt qua mương dẫn thủy chiếm hai bên đường 7 rồi nổ súng đánh chiếm cầu. Địch lợi dụng bờ mương, góc nhà, gốc cây chống trả quyết liệt. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Khánh lệnh cho ĐKZ, cối 82 ly, trọng liên 12,8 ly bắn chế áp địch sát bìa làng phía bắc xóm Lò Giấy. Khi hỏa lực vừa dứt, Đại đội 1 nhanh chóng vượt qua cánh đồng trống tiếp cận mục tiêu. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, hai bên đều bị thương vong. Đến 5 giờ 45 cùng ngày, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Một đại đội bảo an của Tiểu đoàn 220 và một trung vệ bị loại khỏi vòng chiến đấu 70 tên (trong đó có tên trung úy, đại đội trưởng), 1 tên bị bắt.
Mở rộng vùng giải phóng
Bị ta diệt gọn 2 đại đội trong vòng 3 tiếng đồng hồ, địch lập tức điều động đại đội còn lại của Tiểu đoàn 220 và Tiểu đoàn 219 tổ chức phản kích hòng chiếm lại khu vực bị mất, trong đó một đại đội của Tiểu đoàn 290 theo đường 5 vượt sông Ba sang Cẩm Thạch. Địch còn điều động 210 lính từ Tuy An vào với ý đồ từ dưới đánh lên và đánh sau lưng Tiểu đoàn 96.
Tinh thần chiến đấu của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích của ta lúc này đang lên cao, khí thế hừng hực. Sở chỉ huy tiền phương điều động Tiểu đoàn 96 từ Lò Giấy tức tốc hành quân lên phía tây đèo Dinh Ông, triển khai đội hình chiến đấu sẵn sàng đánh địch chi viện phản kích tại khu vực thôn Cẩm Thạch. Đúng 5 giờ 30 ngày 18/3/1975 các đại đội bộ binh và hỏa lực phát hiện rõ mục tiêu, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Khánh ra lệnh đồng loạt nổ súng tiến công địch co cụm dã ngoại trên bãi cát bờ sông Ba. Đại bộ phận bị diệt, đội hình địch rối loạn, nhiều tên bán sống bán chết vượt sông Ba qua bờ Nam tháo chạy. Tiếp đó, Đại đội 3 phát triển chiến đấu tiêu diệt các mục tiêu vòng ngoài phía bắc và đánh chiếm vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn bảo an 219. Đại đội 2 phát triển chiến đấu tiêu diệt bọn địch co cụm vòng ngoài phía nam. Tình huống chiến đấu gặp khó khăn, sau khi phía ta hai đồng chí Trần Thanh Hải và Phạm Văn Huy dẫn đầu đội hình lần lượt anh dũng hy sinh; quân địch chống cự quyết liệt. Song với tinh thần tiến công, quyết chiến quyết thắng, Đại đội 2 tổ chức lại đội hình, thực hành “đánh chắc, tiến chắc”, tạo thế bao vây chặt bọn địch co cụm; phối hợp với Đại đội 3 từ phía tây đánh sang, đồng loạt xung phong nổ súng tiến công địch. Sau hơn 30 phút chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa; xã Hòa Định và Hòa Quang được giải phóng.
Trận vận động tiến công liên tục của Tiểu đoàn 96 ở khu vực thôn Cẩm Thạch thắng lợi đã tạo thế chủ động trên chiến trường, giữ vững địa bàn, hỗ trợ cho nhân dân các địa phương diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ mở rộng vùng giải phóng. Sau đó, Tiểu đoàn 96 nhận lệnh của Ban chỉ huy Tỉnh đội và Quân khu 5 tổ chức hành quân lên Củng Sơn để phối hợp với Sư đoàn 320 chủ lực chặn đánh địch từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng.