Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (thứ hai, từ trái qua) thị sát đường nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai. Ảnh: LÊ HẢO
Bài cuối: Mở toang cửa ngõ Phú Yên với thế giới
Phú Yên có đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không và mạng lưới giao thông nội tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế liên vùng, kết nối bắc - nam, đông - tây, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Giao thông huyết mạnh thông suốt, đồng nghĩa với việc mở toang cánh cửa giao thương giữa Phú Yên với khu vực và thế giới.
Phú Yên có vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ ra biển Đông giao thương với quốc tế.
TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khẳng định: Phú Yên ở vị trí trung tâm gắn kết với vùng phụ cận trong nước và quốc tế nhằm phát triển toàn diện, đưa Phú Yên trở thành địa bàn trọng tâm phát triển kinh tế tổng hợp, phát triển mạnh kinh tế biển và đô thị hóa trong vùng. Phú Yên là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên, nối liền hành lang kinh tế đông - tây, xuyên Á, một địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Nhộn nhịp các tuyến quốc lộ 1A nối Phú Yên với các tỉnh trong cả nước
Không nhiều địa phương có điều kiện mở nhiều tuyến quốc lộ qua địa phận như Phú Yên. Có đến 5 tuyến, tổng số chiều dài khoảng 437km, trong đó: Quốc lộ 1 dài 123km, quốc lộ 25 dài 69km, quốc lộ 29 dài 109km, quốc lộ 19C dài 122km, quốc lộ 1D dài 14km. Các tuyến quốc lộ kết nối Phú Yên với các tỉnh theo cả 4 chiều nam - bắc - đông - tây, đang phát huy hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Quốc lộ 1 được đầu tư nâng cấp mở rộng; cầu yếu, cầu tạm được thay thế, những đoạn qua thị trấn, thị xã, thành phố đều được mở tuyến tránh hoặc mở rộng làn xe tạo điều kiện cho lưu thông an toàn và nhanh chóng. Quốc lộ 1D, nối TX Sông Cầu với TP Quy Nhơn (Bình Định), đã góp phần thúc đẩy sự phát triển Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, khai thác tiềm năng du lịch của thị xã mở ra hướng cửa ngõ phía bắc của tỉnh.
Từ trung tâm TP Tuy Hòa hướng TX Sông Cầu, ngược ĐT644 đi Đồng Xuân, chúng tôi hành trình trên tuyến quốc lộ 19C. Đi qua các xã Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), Sơn Định, Sơn Phước, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), Đức Bình Tây, Ea Bia, Ea Trol (huyện Sông Hinh)... những ruộng mía, rẫy sắn, cà phê chạy ngược chiều khiến cái nắng hè bớt đi nhiều oi ả. Những ngôi nhà hai bên đường dần lùi lại phía sau, chẳng mấy chốc trước mặt là huyện M’Drăk (Đắk Lắk). Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: “Quốc lộ 19C được khai thông đã tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, thông thương với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk. Có thể nói đây là tuyến đường động lực của 3 huyện miền núi Phú Yên”.
Quốc lộ 29, trước đây là ĐT645 được nâng cấp, từ cảng Vũng Rô đến cầu Ea Đrông Ren (Đắk Lắk). Toàn tuyến dài 182,5km đi qua TX Đông Hòa, các huyện Tây Hòa, Sông Hinh (Phú Yên), Krông Năng, Ea Kar, TX Buôn Hồ (Đắk Lắk). Đây được xem là một trong những trục đường huyết mạch hướng đông - tây, nối Phú Yên với Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên hướng ra cửa ngõ phía đông, tạo động lực phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Quốc lộ 25 nối từ quốc lộ 1 (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đi qua các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên đến thị trấn Chư Sê của tỉnh Gia Lai. Quốc lộ 25 giao với quốc lộ 14 đi Đắk Lắk tại ngã ba Chư Sê. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng thời là tuyến đường giao thông quan trọng nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Tây Nguyên xuống các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ra các cảng biển.
Mai này đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên
Trong quy hoạch chiến lược phát triển GT-VT quốc gia, tuyến đường sắt từ Phú Yên nối TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là một trong những tuyến đường quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn quốc phòng - an ninh. Theo Bộ GT-VT, tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa có chiều dài khoảng 169km, khổ 1,435m, sẽ xuất phát từ ga Phú Hiệp (TX Đông Hòa) đi qua các huyện Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) sang huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với 8 ga để đến TP Buôn Ma Thuột. Tuyến đường này sẽ nối với tuyến đường sắt vắt ngang Tây Nguyên từ Kon Tum sang Đà Lạt.
Khi tuyến đường sắt này hình thành, cùng với quốc lộ 29 là hai con đường huyết mạch ra cửa ngõ hướng biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.
Theo thạc sĩ, nhà báo Phan Thanh Bình, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên, tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Tây Nguyên sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa bởi nhu cầu phát triển của đất nước. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, sau tuyến đường sắt xuyên Việt, người Pháp nghiên cứu kỹ và quy hoạch tuyến đường này, thậm chí đã lập dự án thiết kế hỏa xa nối Tuy Hòa với vùng Tây Nguyên, chạy qua Củng Sơn theo thung lũng sông Ba tới Cheo Reo, rồi theo sông Ea Ayan đi lên Gia Lai, Kon Tum... và nối tiếp đến Sài Gòn. Nhưng dự án không triển khai được do chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ.
Phú Yên lợi thế có Sân bay, cảng biển vươn tầm khu vực
Cảng hàng không Tuy Hòa được đầu tư xây dựng hoàn thành khu hàng không dân dụng vào cuối năm 2013, đủ tiêu chuẩn khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương; nhà ga hành khách 3.835m2 đạt cấp dịch vụ tiêu chuẩn C của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA); sân đỗ ô tô dừng, đón trả khách... Cảng hàng không Tuy Hòa đang khai thác chặng bay TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, chặng bay Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại với các hãng: Vietnam Airline, Vietjet, Jetstar, sắp tới là Bamboo.
Thực hiện kế hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa để đón các chuyến bay quốc tế, đến nay, cơ sở hạ tầng của cảng đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Nhà ga hành khách được cải tạo mở rộng đạt tiêu chuẩn đón 5 triệu khách/năm; hoàn thành hệ thống trang thiết bị đảm bảo hoạt động bay, đủ điều kiện mở tuyến bay quốc tế.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GT-VT Phú Yên cho biết: “Cuối năm 2019, để đảm bảo khai thác hiệu quả đường bay quốc tế, Sở GT-VT đã phối hợp với Sở VH-TT-DL tham mưu UBND tỉnh mời các hãng hàng không Ural Airlines, Azur Airlines và Royal Flight Airlines, Tổng cục Du lịch và các hãng lữ hành quốc tế bàn giải pháp đồng thời ký cam kết khai thác các chuyến bay quốc tế hạ cánh trực tiếp tại sân bay Tuy Hòa”.
Đường biển đối với nền kinh tế hiện đại có một vị trí vai trò quan trọng. Trong kháng chiến, Vũng Rô là nơi đón những chuyến tàu Không số từ miền Bắc tiếp tế lương thực, vũ khí cho miền Nam, góp phần đến thắng lợi cuối cùng thống nhất đất nước. Ngày nay, cảng Vũng Rô tiếp tục được đầu tư, đi vào hoạt động từ tháng 10/2004 với sứ mệnh phát triển kinh tế. Nơi đây đã, đang và sẽ “vui đón bao chuyến hàng, những chuyến hàng bè bạn từ xa xôi. Những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi”. Ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm, Sở GT-VT đang thực hiện công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô, để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư nâng cấp cảng, đảm bảo tiếp nhận tàu 5.000-10.000 tấn, tăng năng lực khai thác hàng qua cảng lên 2-2,5 triệu tấn/năm.
Cùng với cảng Vũng Rô, sau khi chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (trong đó có cảng chuyên dùng Bãi Gốc) với nhà đầu tư, Phú Yên đang tích cực kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc mở ra hướng phát triển chiến lược.
Đường bộ đã thông hầm đèo Cả, Cù Mông, các tuyến quốc lộ nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Định cũng đã gần lại; đường hàng không đã được nâng tầm khi sân bay Tuy Hòa đón được cùng lúc nhiều máy bay lớn và đường bay quốc tế. Rồi đây, dự án đường sắt lên Tây Nguyên sẽ mở ra, cảng biển nước sâu Vũng Rô nâng cấp, cảng Bãi Gốc khởi động sẽ là đường giao thương thủy quan trọng nối Phú Yên và khu vực miền Trung - Tây Nguyên với thế giới rộng lớn. |
TRẦN QUỚI