Báo Phú Yên bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại trụ sở tòa soạn, phục vụ cán bộ, công nhân viên đơn vị và bạn đọc khi đến liên hệ công tác. Ảnh: THẢO TOÀN
Trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân. Tại các bộ phận “một cửa”, nơi tiếp công dân, cán bộ công chức thường xuyên hướng dẫn người dân rửa tay trước khi tham gia giải quyết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ, người dân đều đeo khẩu trang
Chị Nguyễn Thị Thu Đan ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: Tôi đến bộ phận “một cửa” của phường, thấy công chức ở đây đều được trang bị và mang khẩu trang khi tiếp công dân; người dân đến giải quyết thủ tục cũng được tuyên truyền thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình trước đại dịch. Còn ông Ngô Tấn Phong, bạn đọc của Báo Phú Yên, nói: “Đến Báo Phú Yên, tôi được hướng dẫn dùng nước rửa tay kháng khuẩn trước khi vào cơ quan. Đọc báo, tôi thấy Báo Phú Yên cũng cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19”.
Không chỉ một vài cơ quan, đơn vị mà hầu hết các sở, ban ngành, địa phương nơi có bộ phận “một cửa” đều trang bị nước rửa tay khô, biển báo các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và hướng dẫn rửa tay đúng cách. Những cán bộ công chức làm việc ở bộ phận thường giao tiếp với công dân được trang bị khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND phường Phú Đông, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phường đã chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước và khi đến nơi làm việc, tự cán bộ công chức theo dõi sức khỏe bản thân, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì chủ động ở nhà theo dõi sức khỏe và thông báo cho đơn vị; thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi... và thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã; chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết trong thời gian làm việc như: nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng, khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn, túi đựng rác... Tại trụ sở xã có treo biển hướng dẫn cách rửa tay, quy định đeo khẩu trang khi tiếp công dân. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan.
Khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Ông Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), cho biết: Hiện nay, khái niệm “văn phòng điện tử” không còn xa lạ với cán bộ, công chức cũng như người dân địa phương. Hơn một năm nay, mọi giao dịch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đều được thực hiện trên máy tính, thời gian thực hiện được rút ngắn hơn 10 lần so với trước. Đặc biệt, địa phương đã ứng dụng các phần mềm quản lý ở các lĩnh vực cơ bản. Điều này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt được thông tin khi có ý định đầu tư tại địa phương. Xã cũng đang áp dụng một số phần mềm về hộ tịch, quản lý lao động, dân số… giúp cán bộ, công chức làm việc hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
“Đang mùa dịch COVID-19, chúng tôi hướng dẫn và khuyến khích công dân tham gia giải quyết thủ tục trên mạng để hạn chế đến nơi đông người, tránh lây nhiễm bệnh. Đối với cán bộ, công chức của xã, các văn bản, giấy mời họp được gửi điện tử, bắt buộc mỗi ngày phải mở máy theo dõi để thực hiện kịp thời”, ông Trãi cho hay.
Còn tại huyện Tây Hòa, để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công chức và người dân cũng như phòng chống dịch hiệu quả, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn nhắc nhở cán bộ, công chức, nhất là bộ phận “một cửa” đến cơ quan làm việc phải đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân và nơi làm việc thường xuyên; giải quyết nhanh, gọn TTHC cho người dân để tránh tập trung đông người. Đồng thời chuẩn bị các vật tư y tế và tuyên truyền người dân cần chủ động phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không quá lo lắng, hoang mang; tăng cường trả hồ sơ qua đường bưu chính để giảm tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi.
Theo Văn phòng UBND tỉnh, tỉnh đã thiết lập, vận hành Trục liên thông văn bản và Cổng dịch vụ công trên toàn tỉnh; thực hiện kết nối liên thông văn bản ổn định từ tỉnh đến cấp xã; kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản giữa tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành và giữa các sở, ngành, địa phương với nhau; kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện tất cả sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến xã đều sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; việc kết nối liên thông hệ thống phần mềm giữa các cơ quan, đơn vị cùng cấp và giữa các cấp hành chính được thông suốt, cơ bản hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc.