Công cuộc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đã vào giai đoạn quyết định. Mục tiêu cấp bách hiện nay là phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để thực hiện tốt mục tiêu này cần sự tham gia của toàn dân, trong đó có việc khai báo y tế.
Việc khai báo y tế toàn dân không chỉ giúp ích cho cơ quan chức năng trong công tác phòng chống đại dịch mà còn có ích đối với từng người dân tham gia. Trong ảnh: Thực hiện khai báo y tế toàn dân qua ứng dụng NCOVI. Ảnh: YÊN LAN |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, và Bộ TT-TT phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin dịch bệnh để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Dữ liệu thu thập được sẽ giúp chính quyền và cơ quan y tế kịp thời xác minh, phát hiện và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
Khác với khai báo y tế bắt buộc (áp dụng từ ngày 7/3 đối với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, và từ ngày 21/3 đối với tất cả hành khách trên các chuyến bay nội địa, trên các phương tiện giao thông công cộng), khai báo y tế toàn dân về bản chất là cung cấp thông tin và tương tác giữa từng người dân với cơ quan y tế. Người dân tải ứng dụng NCOVI về điện thoại di động, cung cấp một số thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe ở mục “Khai báo y tế tự nguyện”. Người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe, dữ liệu ở màn hình “Theo dõi sức khỏe”.
Từ các thông tin đó, nhân viên y tế tại địa bàn nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe của người dân, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...). Đặc biệt, với ứng dụng này, người dân được cập nhật thông tin dịch bệnh kịp thời, chính xác, được cảnh báo khu vực có dịch, được hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây nhiễm và được tư vấn, hỗ trợ y tế kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tất cả thông tin của người dân trên ứng dụng này được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ và sử dụng vào mục đích chống dịch, không xâm phạm đến đời tư cá nhân.
Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc nói rằng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, đến lúc này, chúng ta thấy rằng nguồn lây nhiễm đến Việt Nam không còn giới hạn ở một vài quốc gia như giai đoạn trước. Rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã có dịch. Trong nước, nhiều địa phương cũng đã có người mắc bệnh. Khi chúng ta khai báo y tế tự nguyện một cách chính xác, các dữ liệu sẽ được phân tích xem chúng ta có thuộc trường hợp có yếu tố nguy cơ hay không để đưa ra thông tin tư vấn, hướng dẫn. NCOVI không chỉ giúp ích cho công tác phòng chống dịch mà còn giúp ích cho từng cá nhân. “Ứng dụng này sẽ “nhắc” chúng ta cần phải làm gì để ngăn ngừa lây nhiễm”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.
Theo bác sĩ Ngô Đình Quốc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đông Hòa, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, việc triển khai ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI đã được trung tâm triển khai đến các trạm y tế, và các trạm đã triển khai cho người dân trên địa bàn. Những người từ nơi khác về/đến Phú Yên phải thực hiện khai báo y tế chặt chẽ; còn người trên địa bàn thì tuyên truyền, vận động để bà con tham gia. Bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cho biết các trạm y tế trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai việc này; lợi ích của khai báo y tế toàn dân cũng đã được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn này, Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và giữ khoảng cách từ 2m trở lên, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tăng cường bảo vệ sức khỏe và khai báo y tế. |
YÊN LAN