Khu vực bán hàng bánh kẹo, hoa ở chợ Tuy Hòa vắng người mua. Ảnh: VÕ PHÊ
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đến những nơi đông người, giảm tần suất mua sắm nên tiểu thương các chợ, cửa hàng, điểm bán… cần thiết thay đổi hình thức kinh doanh để ổn định hoạt động
Phú yên: Chợ truyền thống bắt đầu ế ẩm
Chị Trần Thị Bông, tiểu thương bán quần áo ở chợ phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: “Những ngày gần đây, các khu hàng bán thực phẩm tươi sống, trái cây có người mua, còn hàng quần áo, giày dép bắt đầu ế. Biết là người dân sợ lây bệnh nhưng tiểu thương chúng tôi vẫn phải mở sạp, mong bán được đồng nào hay đồng đó để có tiền đóng phí”.
Tại chợ Tuy Hòa, tầm 9, 10 giờ sáng, lượng người đến chợ mua hàng không đông như mọi ngày. Các ki ốt, sạp hàng khô, bánh kẹo, đồ dùng, phụ kiện… vắng khách. Bà Nguyễn Thị Khi, tiểu thương bán hàng khô ở chợ này chia sẻ: Từ khi có siêu thị, tiểu thương ở chợ gặp khó khăn trong buôn bán, nay thì càng khó khăn hơn vì dịch bệnh bùng phát. Trước đây, các sạp đồ khô thường bán sỉ nhiều hơn bán lẻ, ngày nào cũng có người nọ, người kia đặt hàng, một người lấy cả 50-70kg hàng các loại; còn nay thì 3, 4 ngày mới đến và chỉ mua 3-4kg.
Theo đại diện Ban quản lý chợ Tuy Hòa, tổng số hộ kinh doanh tại chợ là 1.900. Từ sau Tết đến nay, còn 20 hộ chưa ra mở bán. Các hàng quần áo, vải, đồ khô, tạp hóa giảm lượng người mua đáng kể. Nhìn chung, sức mua tại chợ đã giảm 30-35%. Tình trạng ế ẩm nên gần 400 tiểu thương làm đơn đề xuất tạm thời giảm thuế một vài tháng. Ban quản lý chợ đã báo cáo ngành Thuế để có cách hỗ trợ. Riêng các khoản phí khác, Ban quản lý chợ phải động viên tiểu thương đóng đủ để trang trải chi phí.
Không chỉ riêng TP Tuy Hòa mà một số chợ truyền thống ở các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Trưởng Ban quản lý chợ TX Sông Cầu cho hay: Hiện nay, sức mua đã giảm. Khu hàng bán thực phẩm, đồ dùng hàng ngày tuy có người mua nhưng rất thưa thớt, còn các dãy hàng khác đều vắng tanh. Do ít người mua nên tiểu thương gặp nhiều khó khăn.
Chuyển hướng kinh doanh
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến kinh doanh bán lẻ, không chỉ hoạt động mua bán ở một số chợ truyền thống gặp khó mà các quán, cửa hàng, điểm bán… cũng trong tình trạng vắng bóng người mua, dù mở cửa hàng ngày. Theo chị Quỳnh Trang ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, hiện nay chị ưu tiên mua thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Mỗi lần đi mua sắm, chị mua với số lượng nhiều để có thể dùng được cả tuần.
Chị Huỳnh Lê An Diễu, nhân viên cửa hàng túi xách Lee and Tee, ở phường 4, TP Tuy Hòa cho hay: Nhiều ngày qua, khách hàng ít đến shop, có ngày không có khách nào, doanh thu bán hàng giảm. Hiện tại, shop bắt đầu thực hiện hình thức bán hàng online. Nếu khách đặt hàng ở trung tâm thành phố thì nhân viên của shop đến giao tận nhà, còn ở xa thì chúng tôi liên hệ các cơ sở giao hàng trên địa bàn để chuyển cho khách.
Thay vì bán hàng trực tiếp thì nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh gia tăng hình thức bán hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu người mua trong thời điểm phải hạn chế đến nơi đông người. Theo đó, những đơn vị thực hiện dịch vụ nhận, giao hàng như Bưu điện tỉnh, Viettel post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… đã triển khai các hình thức, chính sách ưu đãi trong quá trình tiếp nhận hàng để phục vụ tốt hơn cho các hệ thống bán lẻ của tỉnh. Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, trong 2 tháng trở lại đây, số lượng đơn hàng vận chuyển nội tỉnh tăng. Chỉ tính riêng tháng 3/2020, số đơn hàng tăng 13% so với tháng 2 và tăng 46,2% so với cùng kỳ. Đơn vị cũng đang lập các phương án để có thể phục vụ xuyên suốt nhu cầu giao, nhận hàng hóa, kể cả những thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, các cơ sở, điểm bán và ngay cả tiểu thương các chợ rất cần thay đổi hình thức kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế; có thể mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, zalo, hay tham gia Sàn Giao dịch thương mại điện tử của tỉnh… Tuy nhiên, nếu bán hàng, dịch vụ qua hệ thống này, các cá nhân, cơ sở kinh doanh phải tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo uy tín, văn minh, lịch sự trong giao dịch với người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
VÕ PHÊ