“Qua Tuy Hòa có gì để nhớ? Em đa tình - con mắt Phú Yên!...”
Bởi chưng “đa tình con mắt Phú Yên” nên biết bao tao nhân, mặc khách đặt chân đến nơi này đều hứng khởi, rồi nghĩ suy, lý giải… “Ơ cái gió Tuy Hòa…/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng”!
Buổi sáng hong nắng bên ngôi nhà cổ kính trong quán cà phê K&T ở đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa), tôi và nhà văn Nguyễn Quang Thiều chuyện trò say sưa về câu chuyện tình đất, tình người Tuy Hòa. Nhà văn bảo rằng: “Năm 2019, sau 34 năm tôi mới trở lại Tuy Hòa. Không còn dấu vết gì của quá khứ ngoài hai điều mà tôi tìm thấy, đó là biển và giọng nói người Phú Yên… Tôi mang đầy cảm hứng trong những ngày ở Tuy Hòa”. Và nhà văn chia sẻ, trên đường từ sân bay về thành phố, ông rất háo hức ngắm phong cảnh hai bên đường. Thành phố đang phát triển rất nhanh và đẹp. Nhưng có hai điều quyến rũ ông là quy hoạch và sự bình yên của Tuy Hòa.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đường phố và các địa điểm sinh hoạt công cộng của Tuy Hòa luôn mang đến cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và sâu lắng. Ðường phố sạch sẽ, nhiều cây xanh, gương mặt con người ở đây gần gũi và thư thái. Phải có một điều gì đó trong sâu thẳm mỗi người mới mang lại cho bề mặt cuộc sống một phong thái như vậy. Ðây là điều không dễ có ở một đất nước đang đô thị hóa và cuộc sống cuộn chảy nhiều lúc chóng mặt. “Sự thay đổi mấy chục năm qua của Tuy Hòa trong tôi là sự thay đổi mở. Nghĩa là văn minh, hiện đại của một thành phố được kết nối, hòa đồng với thiên nhiên và văn hóa”, nhà văn tâm sự.
Vâng, ký ức tuổi thơ tôi gắn với đồng lúa, con đò, những con đường nhỏ, ngôi trường thân yêu...; với những “vú” cát trước gió biển thông thốc, với làng cá Phú Câu nằm sát hạ lưu sông Ba êm ả và thơ mộng. Còn ký ức của nhiều người đến Tuy Hòa là hình ảnh một thị xã nhỏ nhắn yên bình, với mảng xanh rộng lớn của lúa, của biển. Trong cuốn Ðịa dư tỉnh Phú Yên của Nguyễn Ðình Cẩm và Trần Sĩ xuất bản năm 1938 viết: “Tuy Hòa không phải là thành phố lâu đời (hồi đó các đô thị nhỏ cũng quen gọi là thành phố).
Ðộ hai mươi năm về trước, Tuy Hòa là bãi tha ma, rải rác đôi túp lều tranh, vài ba phố ngói...”. Giờ thì Tuy Hòa “lột xác”, được chỉnh trang to đẹp hơn, hiện đại hơn. Dấu ấn phát triển của Tuy Hòa thể hiện qua những bước chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng đô thị. Bên cạnh những nhà cao tầng hiện đại, những khu biệt thự sang trọng, những nhà hàng, khách sạn 4 sao, 5 sao…, thì Tuy Hòa đã và đang xây dựng một không gian xanh, sạch, đẹp và thân thiện, như hồ nước, công viên Thanh thiếu niên, công viên dọc bờ biển…
TP Tuy Hòa ngày một hiện đại hơn - Ảnh: LÊ HẢO |
Những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như núi Nhạn, bãi biển Tuy Hòa, biển Long Thủy… là điều kiện thuận lợi để Tuy Hòa phát triển thành thành phố du lịch. Một không gian xanh thân thiện như hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho con người Tuy Hòa hàng trăm năm. Ðó là tầm nhìn chiến lược, bền vững của một thành phố…
Tuy Hòa là một thành phố đang lớn dậy! Theo ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, Ðại học Khoa học Huế, trong các đô thị trẻ, TP Tuy Hòa đang ngày càng khẳng định vị thế của mình và vươn lên mạnh mẽ để hợp thành hệ thống đô thị hiện đại trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và hướng đến “cửa ngõ” Tây Nguyên phát triển bền vững.
Tuy Hòa - tình đất, tình người! Cùng tôi dạo phố, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có cái nhìn rất tinh tế: Sau 34 năm mới trở lại Tuy Hòa, điều tôi mừng là ở đây vẫn còn sự tinh khiết của một thiên nhiên, sự tinh khiết của tâm hồn người và sự đúng đắn của chiến lược phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch và bảo tồn thiên nhiên. Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung là một trong số không nhiều tỉnh trong cả nước đang phát triển một cách cân bằng. Ðó là sự cân bằng giữa kinh tế và văn hóa, giữa văn minh và thiên nhiên… Nếu phá vỡ sự cân bằng này thì mọi sự phát triển sẽ lạc đường!
NGUYÊN LƯU