Nhiều sự kiện khởi công động thổ, bán hàng phải dời lịch chưa rõ thời hạn, thậm chí hủy; hàng loạt doanh nghiệp phải cho nhân viên làm việc ở nhà... vì dịch Corona khiến thị trường bất động sản đầu năm ảm đạm hơn bao giờ hết.
thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được xem là chịu tác động nặng nề nhất từ dịch cúm lần này. Ảnh: Đình Sơn
Hoãn mọi kế hoạch kinh doanh
Theo bà Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản (BĐS) Eximrs, năm 2019 và cả năm trước đó đầy khó khăn với thị trường BĐS do thủ tục hành chính kéo dài, nguồn cung khan hiếm, giao dịch sụt giảm... Bước qua năm 2020, các doanh nghiệp (DN) đều kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách... Thế nhưng, chưa kịp ăn tết xong thì dịch cúm Corona bùng phát đã gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, trong đó có BĐS.
Cuối năm 2019 cơn địa chấn mang tên Coco Bay đã làm thị trường BĐS nghỉ dưỡng chao đảo. Chưa kịp hồi phục thì nay lại có thêm cơn bão mang tên cúm Corona chắc chắn sẽ khiến thị BĐS nghỉ dưỡng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty BĐS Trường Phát
“Công ty đã khai trương từ mùng 6 tết nhưng hiện vẫn chưa dám cho nhân viên đi làm vì sợ lây lan dịch bệnh. Nhiều công ty khác theo tôi biết cũng chỉ cúng khai trương lấy ngày chứ chưa hoạt động gì vì không dám tập trung đông nhân viên. Dịch không biết đến bao giờ, chúng tôi hiện cũng không dám triển khai gì cả, chỉ có thể môi giới để duy trì, chờ thị trường tốt hơn mới dám hoạt động mạnh trở lại”, bà Tú cho hay.
Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty DKRA, cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi cho rằng năm 2020 khó khăn sẽ không thuyên giảm mà trái lại có thể càng tăng hơn bởi tác động của dịch bệnh. Tại DKRA, nhiều kế hoạch đã đảo lộn, nhất là việc bán hàng, kinh doanh do đặc thù của ngành BĐS là bán hàng tập trung. Khoảng 1 tuần, nửa tháng hoặc 1 tháng, nhân viên kinh doanh sẽ đi chào mời sản phẩm với khách hàng. Sau đó sẽ có một ngày bán hàng tập trung, như vậy kinh doanh mới hiệu quả. Thế nhưng, với việc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay thì việc bán hàng tập trung là không khả thi vì ai cũng lo, không muốn đến chỗ đông người vì sợ lây bệnh.
“Công ty đã dời hoặc hủy nhiều kế hoạch bán hàng tập trung vì khó kêu gọi khách hàng tham dự. Hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh đều phải hoãn lại hết, rất khó khăn”, ông Hiếu nói.
Lãnh đạo một công ty BĐS tại Bình Dương, than thở cuối năm 2019 công ty đã lên kế hoạch khởi công dự án vào đầu năm 2020, kết hợp với làm truyền thông, bán hàng nhưng kế hoạch này đang được xem xét lại, thậm chí có thể phải hủy. “Nhiều khách hàng, đối tác khi chúng tôi mời tham dự sự kiện họ đã từ chối không đi vì sợ cúm. Chắc công ty cũng chỉ làm cái lễ khởi công lấy ngày chứ không thể kết hợp cho việc bán hàng, truyền thông. Nếu dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, không chỉ ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mà ngay cả BĐS cũng sẽ thiệt hại nặng nề”, vị này cho hay.
Bất động sản du lịch bị nặng nhất
Theo thông tin từ ngành du lịch TP.Đà Nẵng, hầu hết các khu du lịch, khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng từ các nhóm khách đoàn, khách công tác và cả các đối tượng khách lẻ. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch kết hợp hội nghị từ nước ngoài và đến từ các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tại Nha Trang, tình cảnh cũng diễn biến tương tự khi lượng khách du lịch sụt giảm thê thảm bởi 3 năm trở lại đây, khách đến Khánh Hòa chủ yếu là Trung Quốc và khi dịch vi rút Corona bùng phát lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, phần lớn DN phải vay vốn từ ngân hàng để xây dựng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, nên việc lượng khách sụt giảm mạnh sẽ khiến các DN mất nguồn thu để chi trả cho hoạt động, trả lợi nhuận cam kết với khách hàng và trả lãi vay ngân hàng. Từ đó, nhà đầu tư nản lòng, không dám bỏ tiền vào loại hình BĐS nghỉ dưỡng. Nếu dịch bệnh kéo dài khoảng 6 tháng chắc chắn nhiều DN sẽ phá sản.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty BĐS Trường Phát, nhận định thị trường BĐS chắc chắn sẽ bị tác động bởi dịch cúm, trong đó BĐS du lịch bị tác động nặng nề nhất. Các thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven biển như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận... sẽ bị tác động nghiêm trọng hơn do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế.
“Cuối năm 2019 cơn địa chấn mang tên Coco Bay đã làm thị trường BĐS nghỉ dưỡng chao đảo. Chưa kịp hồi phục thì nay lại có thêm cơn bão mang tên cúm Corona chắc chắn sẽ khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, thị trường BĐS du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020, còn ngược lại DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS sẽ rất khó khăn”, ông Dũng