Quỹ đất rộng, dồi dào tiềm năng phát triển, chính sách ưu đãi của địa phương… là những lợi thế “vàng” khiến các thị trường mới tiếp tục là từ khóa được giới đầu tư địa ốc săn đón trong thời gian tới.
Xu hướng ly tâm tiếp diễn mạnh
Tiếp tục xu hướng dịch chuyển dòng vốn đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, năm 2020 thị trường BĐS Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng được nhận định sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư. Thay vào đó, nhiều ông lớn địa ốc sẽ nhắm đến các thị trường mới làm địa điểm phát triển dự án. Đặc biệt là những địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đến các thành phố lớn.
Các thị trường BĐS mới tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư trong năm 2020
Theo ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Đất Xanh Miền Bắc, nhu cầu của người dân về bất động sản tại các tỉnh đã gia tăng nhờ tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khi quy hoạch của địa phương lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu an cư, vui chơi giải trí.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng sự thiếu hụt những công trình quy mô lớn khiến các địa phương sẵn sàng chào đón, giao đất và ủng hộ doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, lợi thế về thiên nhiên, diện tích đất sạch đủ để đáp ứng quy hoạch một dự án lớn đồng bộ về tiện ích, hạ tầng cảnh quan… là những lý do để các thị trường mới tiếp tục trở thành "thỏi nam châm" thu hút nhà đầu tư.
Đâu là tâm điểm?
Đón nhận làn sóng đầu tư dồn dập đổ về, bức tranh thị trường BĐS tại nhiều địa phương dần trở nên sôi động trong suốt thời gian qua.
Tại khu vực phía Bắc, Quảng Ninh, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội năng động là một trong lựa chọn hàng đầu của giới địa ốc khi tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Dữ liệu từ một sàn giao dịch BĐS trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam cho thấy trong vòng 3 năm từ 2015 – 2018, lượng tin đăng giao dịch tại Quảng Ninh đã tăng tới 266%.
Năm 2019, trái ngược với bức tranh nhiều gam trầm của thị trường BĐS cả nước, Quảng Ninh vẫn nổi lên như một điểm sáng khi liên tiếp đón nhận nguồn cung mới dồi dào và chất lượng đến từ các dự án quy mô như FLC Tropical City Ha Long, Marina Square, Green Bay Garden, Tuần Châu Marina… Điều này đã thúc đẩy giá đất tại TP. Hạ Long giữ nhịp tăng tích cực trong suốt năm qua và đang tiếp tục có chiều hướng chuyển biến mạnh khi quy hoạch sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ chính thức được phê duyệt. Giới địa ốc dự báo đây vẫn sẽ là tâm điểm đầu tư của năm 2020.
Theo sát Quảng Ninh, các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai… cũng hứa hẹn là điểm sáng đầu tư mới khi thu hút dòng vốn lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng năm 2019, trong đó phần lớn dành cho lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, du lịch nghỉ dưỡng với nhiều dự án trọng điểm được tập trung triển khai trong năm nay.
Ở đầu còn lại của đất nước, phía Nam ghi nhận sự trỗi dậy của các thị trường mới với tâm điểm chú ý được hướng đến Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Kho tàng tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng đất đại ngàn đang dần thức giấc nhờ hạ tầng giao thông các địa phương liên tục được cải thiện thời gian gần đây, tăng cường khả năng kết nối với các khu vực lân cận.
Đơn cử như Gia Lai đã đầu tư hơn 24 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2020 để phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Hay việc cải tạo, nâng cấp mở rộng 2 tuyến giao thông huyết mạch là đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 24 giúp Kon Tum tháo gỡ nút thắt giao thông đã tồn tại nhiều năm, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư.
Nhờ đó, thị trường BĐS Tây Nguyên được đánh thức với sự xuất hiện rầm rộ của một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đô thị - thương mại - du lịch như Trung tâm thương mại – Shophouse Vincom Kon Tum, FLC Legacy Kontum, FLC Hilltop Gia Lai, EcoCity Premia (Buôn Ma Thuột)…
Tâm điểm chú ý của vùng đất sông nước Tây Nam Bộ được hướng đến Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… Khu vực này vốn được đánh giá sở hữu nhiều tiềm năng phát triển, quỹ đất "sạch" rộng lớn và đi đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với thành tích giữ điểm số trung bình PCI cao nhất cả nước từ 2014 trở lại đây.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc TP.HCM rà soát, kiểm soát phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm thành phố, cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư dãn sang những địa bàn lân cận, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, việc chú trọng tăng khai thác hạ tầng liên kết khu vực là nền tảng quan trọng cho bất động sản vùng phát triển.
Đến nay, Tây Nam Bộ đã đón nhận sự góp mặt của hầu hết "ông lớn" ngành địa ốc như CEO Group, Sun Group, FLC Group, Văn Phú Invest, Nam Long, LDG Group, T&T Group… với loạt dự án từ trung cấp đến cao cấp được triển khai mạnh mẽ trong năm 2020.
Các chuyên gia BĐS cho rằng tại các thị trường mới, giá cả, ưu đãi đầu tư cũng như sự đầu tư mạnh của Nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị đều tốt hơn. Doanh nghiệp cũng dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn. Sự xuất hiện của các chủ đầu tư uy tín, có năng lực phát triển và khai thác, kinh doanh dự án sau đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy những thị trường mới có những bước phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bình An
Theo Nhịp sống kinh tế