Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nối tiếp nhưng thị trường bất động sản 2020 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực trên nền tảng 2019. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Pháp lý condotel có thể sẽ được quy định trong năm 2020
Tại buổi họp báo “Báo cáo tình hình thị trường bất động sản 2019” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, 2019 là một năm giảm tốc của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Condotel là dòng sản phẩm chủ đạo của phân khúc này thế nhưng trong gần 19.000 sản phẩm tung ra thị trường năm qua, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 36,3% với khoảng 6.700 sản phẩm được tiêu thụ.
So với năm 2018, tổng lượng giao dịch theo các quý năm 2019 không có biến động mạnh. Thậm chí, thời điểm cuối năm giao dịch bị chững lại sau khi Cocobay “vỡ trận” cam kết lợi nhuận khủng, khiến tâm lý các nhà đầu tư e ngại. Giao dịch quý 4/2019 của condotel ở mức thấp nhất trong cả năm. Theo ông Đính, trên thực tế, bất động sản nghỉ dưỡng đã sụt giảm từ năm 2018 do một số nguyên nhân như pháp lý chưa rõ ràng; giá bán bị đẩy cao, khả năng thanh khoản thấp; nhiều dự án bị tạm dừng để thanh, kiểm tra; dòng tiền tín dụng bị siết chặt và người nước ngoài chưa được tham gia mua dòng sản phẩm này như nhà ở.
Tuy nhiên, trong năm 2019, gam màu xám không bao trùm toàn bộ phân khúc condotel. Ông Đính cho biết, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn với tổ hợp dịch vụ khép kín, tiêu chuẩn quốc tế và được thực hiện bởi các chủ đầu tư uy tín, được các thương hiệu quốc tế vận hành vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, tỉ lệ hấp thụ tương đối tốt. Đáng chú ý, những địa phương có số lượng giao dịch tốt trong năm được ghi nhận đều là những thị trường nghỉ dưỡng mới nổi như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Ninh Thuận…
Nhận định về thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng năm 2020, ông Đính cho rằng trong năm tới giao dịch condotel có thể không tăng so với năm 2019. Giao dịch sẽ vẫn tập trung ở những dự án có khả năng khai thác kinh doanh du lịch tốt và được thực hiện bởi các chủ đầu tư, đơn vị khai thác vận hành uy tín, có nhiều kinh nghiệm.
Dù việc Cocobay vỡ trận cam kết lợi nhuận khiến thị trường ảm đạm nhưng ông Đính nhận định Cocobay chỉ là hiện tượng, câu chuyện nhất thời của thị trường. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ vẫn tiếp tục thu hút các nhà phát triển bất động sản bởi tiềm năng phát triển kinh tế du lịch và khả năng sinh lợi tốt.
2019 tiếp tục là một năm giảm tốc của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa
Thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Bởi vậy, ông Đính nhấn mạnh, những vùng đất sáng giá về du lịch vẫn tạo hấp lực mạnh với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Một số vùng có thể có lượng giao dịch tốt gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Bình Thuận, Ninh Thuận. Ông Đính cũng cho rằng, pháp lý dành cho loại hình condotel có thể sẽ được quy định cụ thể trong năm 2020, tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư.
Những tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản 2020
Năm 2019, thị trường bất động sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến nguồn cung và giao dịch sụt giảm mạnh như thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước siết chặt nguồn vốn tín dụng vào bất động sản.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu.
Cùng với đó, động thái rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình giao đất, cấp phép xây dựng cho các dự án phát triển bất động sản cũng như quá trình phê duyệt đầu tư, phát triển dự án được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Chi phí đầu tư, phát triển dự án tăng cao: đền bù, giải phóng mặt bằng, nhân công, lãi suất, vật liệu… Trong khi hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến bất động sản còn chưa đồng bộ.
Những khó khăn, thách thức trên sẽ còn tiếp nối trong năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Đính, thị trường bất động sản 2020 vẫn có những điểm sáng tích cực có nền tảng từ 2019.
Đó là GDP Việt Nam tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 10,2%. Lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước. Trong đó, hơn 20% lượng kiều hối đổ vào bất động sản.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là Quốc gia đông dân thứ 15 thế giới nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Cùng với đó, hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Đến nay, trên cả nước đã có gần 997 km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác, kết nối các vùng.
An An