Hơn một năm kể từ khi Nghị định 86/2018 có hiệu lực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực giáo dục đã đạt 97 triệu đô la Mỹ, tính đến tháng 10/2019. Giới chuyên gia cho rằng, việc có một nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực này sẽ tạo nhiều cơ hội cho phân khúc bất động sản giáo dục phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Thị trường hấp dẫn
Báo cáo từ Savills Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, trong giai đoạn 2014-2017 trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động Việt chuyển từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.
Xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục lan rộng với tốc độ cao, phát triển giáo dục quốc gia vì vậy trở thành ưu tiên hàng đầu để nâng cao kỹ năng lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc.
Đồng thời, với quy mô dân số trên 94 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục.
Thực tế hiện nay, không ít “đại gia” bất động sản đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giáo dục với những tầm nhìn, sứ mệnh riêng biệt như Vingroup, Việt Hưng (Vihajico), Sunshine Group và FLC...
Tại TP.HCM hiện đang có trên 50 trường học quốc tế. Các trường học này không chỉ giảng dạy cho con cái của các gia đình người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam mà cả các gia đình người Việt mong muốn cho con mình theo học tại các cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế.
Phần lớn các trường quốc tế tại TP.HCM đều nhận được nhiều hồ sơ xin theo học của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, do quy định của Nhà nước, số lượng học sinh trong nước theo học tại các trường này bị giới hạn.
Ngày 1/8/2018, Nghị định 86 có hiệu lực đã nâng hạn mức số lượng học sinh Việt Nam tại các trường học có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa là 50% học sinh Việt, thay đổi đáng kể so với giới hạn trước đó là 10% đối với trường tiểu học và 20% đối với trường THCS và THPT.
“Việc sửa đổi trong Nghị định 86 đã đem đến một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam”, chuyên gia tư vấn đầu tư ông Sử Ngọc Khương nhận định.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết trước thời điểm Nghị định 86 có hiệu lực, việc giới hạn tỷ lệ học sinh Việt Nam khiến các trường quốc tế phụ thuộc nhiều vào tuyển sinh học sinh nước ngoài.
Từ khi nghị định này có hiệu lực, các trường này đã tận dụng cơ hội và thúc đẩy hoạt động tuyển sinh học sinh Việt. Động thái này chắc chắn đã các tác động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc cơ hội hấp dẫn của thị trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths cũng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác hơn để giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, nhu cầu ứng tuyển của con của các chuyên gia người nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tăng lên. Việt Nam sẽ thu hút thêm FDI sau khi ký kết các hiệp định thương mại và trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho các công ty đa quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Số lượng người nước ngoài đến làm việc tại Việt nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các thành phố thu hút nhiều FDI.
Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 320.000 lao động nước ngoài, tăng trung bình 8%/năm từ năm 2008. Một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy, Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí 10 trên bảng xếp hạng các nước có "môi trường làm việc và sống hấp dẫn" bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên.
Các chuyên gia cho rằng, đây là những dẫn chứng cho thấy bất động sản giáo dục trong tương lai có tiềm năng phát triển rất lớn.
Vẫn còn rào cản
Nghị định 135 và Nghị định 86 là hai nghị định quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam trong năm 2018. Hai nghị định này đã đơn giản hóa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cụ thể, Nghị định 135 đã đơn giản hóa yêu cầu về mặt pháp lý, vận hành và rút ngắn quy trình thủ tục hành chính. Còn Nghị định 86 đã giảm yêu cầu về nhân sự và tăng hạn mức tuyển sinh học sinh Việt Nam.
Tuy vậy, chuyên gia của Savills cho rằng vẫn tồn tại những rào cản nhất định, ví dụ như Nghị định 86 vẫn yêu cầu giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục này khác so với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện khác (chỉ yêu cầu giấy phép kinh doanh).
Thêm vào đó, Nghị định 86 cũng chưa đơn giản hóa pháp nhân. Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cần thành lập trường – đây là một pháp nhân. Nhưng để thành lập trường, nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp và có tư cách pháp nhân. Thủ tục này tạo ra hai pháp nhân, từ đó có thể gây chồng chéo trong cơ cấu tổ chức.
Mặc dù có sức hút đáng kể với các nhà đầu tư nước ngoài, song theo ông Troy Griffiths, xét một cách tổng thể thì giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng FDI vào Việt Nam.
Hơn nữa, chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn lạc quan cho rằng, đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, với xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt. Các chỉ số của thị trường sẽ duy trì ở mức khả quan.
Bà Vũ Kiều Hạnh, chuyên gia nghiên cứu bất động sản của Savills, cho biết để thu hút học sinh, việc quản lý bất động sản giáo dục sẽ góp phần quan trọng giúp phụ huynh có quyết định ưu tiên lựa chọn trường có cơ sở vật chất tốt hơn cho con em mình học.
“Đây sẽ là xu hướng bùng nổ khi nhiều trường đại học của các tập đoàn trong và ngoài nước sẽ được khánh thành tại Việt Nam trong thời gian tới”, bà Hạnh nói.
Tâm An