Cánh đồng ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, nơi diễn ra tình trạng mua bán, sang nhượng đất ruộng khá rầm rộ thời gian gần đây. Ảnh: TRUNG HIẾU
Thời gian gần đây, nhiều người đổ về huyện Phú Hòa thu mua đất lúa. Thấy lợi trước mắt nên người dân địa phương cũng rủ nhau bán ruộng, gây nên tình trạng mua bán rầm rộ trên địa bàn huyện. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa về vấn đề này.
* Tình hình mua bán ruộng tại địa phương trong thời gian qua diễn ra như thế nào? Việc này có trái quy định của pháp luật không, thưa ông?
- Việc mua bán, chuyển nhượng đất ruộng trên địa bàn huyện Phú Hòa xảy ra khá nhiều trong những năm gần đây và rải rác ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, tình trạng này diễn ra khá rầm rộ, tập trung ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị và thôn Đông Phước, xã Hòa An. Qua nắm tình hình, đến nay, tổng diện tích đất ruộng người dân các nơi này đã chuyển nhượng khoảng 7ha, giá chuyển nhượng từ 115-140 triệu đồng/sào, chủ yếu bằng hình thức giấy viết tay, tạm ứng tiền đất, chưa thực hiện bất cứ quy trình thủ tục pháp lý nào tại địa phương.
Các hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể ở đây là đất lúa thì được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, tặng cho. Việc người dân chuyển nhượng đất ruộng thuộc một trong các quyền này nên không trái quy định của pháp luật. Riêng đối tượng nhận chuyển nhượng phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển nhượng không quá 10 lần hạn mức được giao đất (2ha/hộ), tương đương khoảng 20ha.
Ông Nguyễn Ngọc Tường |
* Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên?
- Khu vực đang diễn ra tình trạng mua bán đất ruộng tập trung dọc quốc lộ 25 thuộc các xã Hòa An và Hòa Trị. Đây là vị trí thuộc khu vực đã được tỉnh lập các quy hoạch khu dân cư, khu đô thị mới như: Quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị phía bắc sông Ba, quy hoạch Khu đô thị phía bắc khu du lịch Thuận Thảo và quy hoạch Khu dân cư dọc quốc lộ 25 đoạn từ cầu Trần Hưng Đạo đến tuyến tránh quốc lộ 1. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân của việc mua bán, chuyển nhượng đất ruộng rầm rộ gần đây.
* Tình trạng mua bán, sang nhượng đất ruộng trong vùng quy hoạch sẽ gây khó khăn gì khi các dự án trong vùng được triển khai, thưa ông?
- Hiện nay, cơ chế đền bù được thực hiện theo 2 kênh. Những dự án đầu tư bằng ngân sách thì được đền bù bằng giá đất do Nhà nước ban hành. Còn các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách thì được đền bù thông qua việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với chủ sở hữu đất, Nhà nước không làm công tác thu hồi đất. Vì vậy, trường hợp các đối tượng đang thu mua đất ở khu vực này là các nhà đầu tư thật sự, tự tổ chức thu gom đất trước khi triển khai dự án thì sẽ tạo nhiều thuận lợi cho địa phương cũng như nhà đầu tư. Còn nếu các đối tượng là những người đầu cơ đất, thu gom đất để chờ dự án thì sẽ là trở ngại lớn cho địa phương, nhà đầu tư khi thực hiện dự án vì các đối tượng này thường có nhiều yêu sách, đòi hỏi vô lý khó chấp nhận, khó thỏa thuận, gây nên tình trạng trì trệ trong việc kêu gọi đầu tư của địa phương. Thực tế trên địa bàn huyện, những năm qua, một số nhà đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng không thể thỏa thuận đền bù, thu hồi đất được với chủ sở hữu đất, cuối cùng đành phải bỏ dự án.
* Lãnh đạo huyện đã làm gì để tình trạng nói trên không tạo thành điểm “nóng”, thưa ông?
- Trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện kiểm tra và nắm bắt thông tin. Huyện cũng chỉ đạo xã Hòa Trị và Hòa An rà soát, tập trung tuyên truyền vận động người dân cẩn trọng khi mua bán, chuyển nhượng đất ruộng. Đồng thời tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và các phương tiện thông tin đại chúng vận động người dân không nên chuyển nhượng đất ruộng ồ ạt mà mất diện tích canh tác về lâu dài, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế của gia đình. Trong thời gian tới, nếu các dự án này được triển khai theo quy hoạch thì người dân vẫn được đền bù thỏa đáng, không bị bất cứ thiệt hại nào về kinh tế.
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn: baophuyen