Các tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk nối lại chương trình kích cầu đã triển khai hồi tháng 3, đồng thời mở rộng thêm liên minh với các tỉnh Kon Tum - Đắk Nông. Trong ảnh: Đoàn famtrip do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại nhà thờ cổ Mằng Lăng. Ảnh: TRẦN QUỚI
Bước sang ngày thứ 30, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng là điều kiện thuận lợi để thị trường du lịch nội địa tái khởi động. Bộ VH-TT-DL công bố cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, trong khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, từ đây đến cuối tháng 6 sẽ triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc.
Nếu như cách đây vài tháng, cả nước thực hiện cuộc vận động “ai ở đâu thì ở đó, ở nhà là yêu nước”, hiện tại, khái niệm này đã thay đổi khi tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát. Cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, xác lập tình trạng bình thường mới, trong đó có hoạt động du lịch.
Thị trường nội địa là trọng tâm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong phiên họp thường trực Chính phủ ngày 15/5: Việt Nam chưa cho phép nhập cảnh khách du lịch, chỉ cấp visa với trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại đại sứ quán các nước và yêu cầu cách ly phù hợp. Tuy nhiên, ngành Ngoại giao và Du lịch chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt thời gian qua. |
Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, các hoạt động giao thương với bên ngoài biên giới vẫn còn hạn chế, thị trường du lịch quốc tế trong thời điểm này gần như không thể. Theo các chuyên gia dự đoán, thị trường du lịch quốc tế nếu phục hồi sớm nhất phải hết năm 2020. Bởi vậy, thị trường du lịch nội địa được xác định là mục tiêu trọng tâm trong thời điểm hiện nay. “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là chủ đề của cuộc vận động do Bộ VH-TT-DL phát động nhằm vực dậy nền du lịch vốn đã bị một cú sốc mạnh, rơi từ độ cao đỉnh điểm xuống chạm đáy, vì COVID-19.
Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động ngay khi công tác phòng chống dịch COVID-19 được kiểm soát và vẫn còn thời điểm mùa hè đến ngày 31/12/2020. Ba nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch; các địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng đón khách nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch; ngành Du lịch phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu với các gói sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng, giá ưu đãi.
Theo các chuyên gia du lịch, việc chọn lựa thị trường nội địa làm mục tiêu trọng tâm để kích cầu phục hồi du lịch là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bởi các lý do: Việt Nam đã bước sang ngày thứ 30 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Nguồn gia tăng số ca lây nhiễm đều đến từ người nhập cảnh từ các nước và đã được kiểm soát cách ly, điều trị ngay khi nhập cảnh. Sau một thời gian “dồn nén”, những người thích xê dịch đã rất muốn di chuyển thăm thú, vui chơi, xả stress. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng nóng lòng để hoạt động trở lại với nhiều chính sách khuyến mãi. Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa đang có nhu cầu sau thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp trong tâm thế sẵn sàng, đây là hai yếu tố cơ bản để kích cầu du lịch nội địa với chuỗi sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý và đảm bảo an toàn.
Điều này là có cơ sở khi dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua và những ngày cuối tuần, rất đông khách du lịch đã trở lại một số địa phương như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu... Tại Phú Yên, lượng khách trong dịp lễ này cũng tăng đáng kể với gần 14.000 lượt, trong đó khách lưu trú gần 7.000 lượt.
Đoàn khảo sát sản phẩm du lịch tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Du lịch Phú Yên giá rẻ, an toàn
Cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thống nhất kế hoạch kích cầu du lịch với quy mô toàn quốc qua thông điệp du lịch an toàn.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngay từ đầu tháng 3, hiệp hội đã chọn một số địa phương nhóm an toàn hoặc nguy cơ thấp về COVID-19 để tổ chức kích cầu, quảng bá du lịch, trong đó có khu vực các tỉnh miền Trung với liên minh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk. Sau đó dịch bùng phát diện rộng, chương trình phải tạm dừng. Lần tái khởi động này, chương trình kích cầu sẽ được triển khai ở tất cả các địa phương trên cả nước, từ đây đến tháng 6, các đoàn famtrip sẽ được tổ chức ở các cụm du lịch địa phương và chiến dịch truyền thông điểm đến.
Chiến dịch kích cầu lần này có hai vấn đề mà thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt ra là: Xây dựng sản phẩm kích cầu và chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch, điểm đến an toàn. Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói: “Việc xây dựng sản phẩm kích cầu, giảm giá cần có sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp cùng tạo nên một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh cho một tour du lịch, từ ăn uống, lưu trú, mua sắm hàng đặc sản, vận chuyển, lữ hành... kể cả các dịch vụ thu phí tại các khu, điểm du lịch thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Hiệp hội cũng sẽ làm việc với các hãng hàng không Việt Nam tham gia kích cầu du lịch nội địa, “chốt” giá vé ưu đãi. Các bên cung cấp, giảm giá dịch vụ nhưng phải đảm bảo chất lượng, có như vậy mới tạo ra một sản phẩm chất lượng có giá tốt để kích thích nhu cầu đi du lịch của khách nội địa”. Theo ông Vũ Thế Bình, các doanh nghiệp có thể lựa chọn hai trong một hoặc áp dụng song song, giảm giá dịch vụ đi kèm cam kết chất lượng dịch vụ không giảm; hoặc giữ nguyên giá nhưng tăng thêm dịch vụ cao cấp cho khách.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, hiệp hội cũng đặt vấn đề cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương trong việc tạo cơ chế ưu đãi để phục hồi du lịch. Ngay việc nhỏ như giá thu phí vào các điểm tham quan du lịch do chính quyền địa phương quản lý cũng phải tham gia “cuộc chơi” kích cầu. Bên cạnh xây dựng sản phẩm kích cầu có giá tốt, hiệp hội du lịch cũng đặt ra cách thức, chiến dịch truyền thông.
Đối với các doanh nghiệp du lịch Phú Yên, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, cho biết đã sẵn sàng trong đợt tái khởi động kích cầu lần này, tiếp tục cam kết với giá cả tốt nhất, dịch vụ tốt nhất và phục vụ an toàn nhất. Theo ông Tiến, cần một chiến dịch truyền thông điểm đến mạnh mẽ trên nhiều kênh, nhiều phương tiện, nhất là tận dụng công nghệ truyền thông trên môi trường internet. “Hiện tại, lượng khách tham quan du lịch còn rất ít do vẫn còn tâm lý lo ngại dịch bệnh, chưa có cảm giác an toàn. Thông điệp du lịch giá tốt và an toàn cần được đẩy mạnh truyền thông đến khách hàng”, ông Tiến nói.
Theo kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại cuộc họp trực tuyến với hiệp hội du lịch các địa phương mới đây, chương trình kích cầu được triển khai ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Khu vực phía Nam sẽ kết nối du lịch cả nước với đồng bằng sông Cửu Long; vùng Đông Nam bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…). Khu vực phía Bắc: kích cầu khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa); thúc đẩy du lịch Tây Bắc và vòng cung Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Khu vực miền Trung: Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế làm trung tâm. Khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, tiếp tục phát triển liên minh kích cầu Gia Lai - Đắk Lắk - Bình Định - Phú Yên và mở rộng thêm Kon Tum, Đắk Nông. |
TRẦN QUỚI