Đồng loạt các địa phương đều áp dụng các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Các điểm danh thắng, di tích đều tạm đóng cửa. Ảnh: VĂN TUẤN
Vừa qua, khi các doanh nghiệp du lịch tất bật cho công việc sắp xếp điều hành tour, nhận khách đặt phòng, điều xe, tìm hướng dẫn viên, đặt chỗ ăn... khi du lịch nội địa đang phục hồi rất tốt thì COVID-19 bất ngờ quay trở lại làm cho mọi thứ nhanh chóng thay đổi.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thay đổi từng giờ. Từ ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng được công bố ngày 25/7, liên tiếp những ngày sau đó số lượng tiếp tục gia tăng và lan ra các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Không chỉ các tour đến vùng dịch bị hủy tắp lự mà tour đi các địa phương khác cũng bị khách hàng hủy tour, vì yếu tố an toàn sức khỏe.
Đồng loạt hủy tour
Dịch COVID-19 lan nhanh ra một số địa phương đã tác động rất lớn đến tâm lý của khách du lịch. Khách đang đi tour lập tức kết thúc sớm, khách đặt tour trong tháng 8 đồng loạt hủy tour, hủy dịch vụ khiến các công ty du lịch đau đầu khi phải giải quyết hoàn lại hợp đồng đặt cọc.
Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tuy Hòa (Tuy Hòa Tourist), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là các địa phương thông báo đóng cửa các điểm di tích, danh thắng tham quan du lịch, hàng loạt hợp đồng tour đều bị khách hủy. “Riêng Tuy Hòa Tourist trong tháng 8 này đã bị hủy hơn 30 tour về Phú Yên với cả ngàn khách. Tình hình chung hiện nay các tour đến, tour đi đều chung cảnh ngộ hủy tour”, ông Tùng nói.
Đại diện các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng cho hay, toàn bộ khách đặt cọc trong tháng 8, đều thông báo hủy. Chị Nguyễn Huỳnh Hiếu Hạnh, Giám đốc khách sạn Kaya than thở: “Trong vòng một ngày sau khi công bố dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, khách hủy sạch trơn, toàn bộ nhân lực của đơn vị chỉ tập trung nghe điện thoại và xử lý hủy hợp đồng đặt cọc cho khách”.
Ông Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú chi nhánh Phú Yên, ngậm ngùi cho hay: Du lịch vừa mới có dấu hiệu phục hồi tốt chưa lâu, thì COVID-19 tiếp tục ập tới; khách đồng loạt hủy tour, doanh nghiệp du lịch nói chung đều méo mặt, nhưng khổ nhất vẫn là doanh nghiệp lữ hành vì đã ứng tiền cọc trước cho các dịch vụ liên quan.
Chung tay sẻ chia thiệt hại
Việc hủy tour trong bối cảnh hiện nay của khách du lịch do lo ngại lây lan dịch COVID-19, đặt yếu tố sức khỏe lên hàng đầu là yêu cầu hoàn toàn chính đáng. Thiệt hại của các doanh nghiệp du lịch trong lúc này là điều tất nhiên. Có điều, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, giữa khách hàng với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với đối tác, các cơ quan chức năng, hiệp hội cần có sự thông cảm chia sẻ những thiệt hại lẫn nhau.
Khách hàng hủy tour, đương nhiên là muốn hoàn lại tiền cọc vì trường hợp này thuộc lý do bất khả kháng. Điều này sẽ kéo theo các đơn vị lữ hành buộc phải hủy đặt cọc với dịch vụ lưu trú, vận tải, ăn uống, hàng không... Vấn đề giữa các doanh nghiệp phát sinh từ đây. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng nói: Lữ hành đang ở thế kẹt giữa hai đầu, khách hàng hủy tour đòi 100% tiền cọc với lữ hành thì chỉ một đầu mối; trong khi lữ hành phải hủy đặt cọc hàng loạt dịch vụ nhưng không phải nơi nào cũng “rộng lòng” chia sẻ hoàn tiền cọc, nhất là dịch vụ hàng không, không bay coi như mất.
Trước làn sóng phản ứng của các doanh nghiệp lữ hành, sự can thiệp của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các liên minh kích cầu, về sự “vô lý” của dịch vụ hàng không trong việc xử lý sự cố bất khả kháng vì dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc, các doanh nghiệp du lịch “khốn khổ vì hàng không “bắt phải bay” (một bài báo trên Báo Văn hóa ngày 31/7). Sau đó, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Bamboo Airway đều đã có phản hồi với các chính sách theo chiều hướng tích cực, cho khách hàng báo hoãn, thay tên, bảo lưu đến tháng 6/2021, thậm chí tháng 10/2021. Theo các đơn vị lữ hành, mặc dù những chính sách chia sẻ này cũng còn nhiều ràng buộc, nhưng dù sao có còn hơn không trong bối cảnh hiện nay.
Đối với các dịch vụ lưu trú, vận tải, nhà hàng... nhiều khách sạn không tham gia liên minh kích cầu nên việc hoàn cọc 100% cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, số này không nhiều. Đối với Phú Yên, hầu hết các đơn vị đều có sự chia sẻ lẫn nhau. Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, Chủ nhà hàng Cơm niêu Tuy Hòa, cho rằng: Trong lúc khó khăn càng cần thể hiện tình người, lòng nhân ái, hơn nữa ở đây là các đối tác, khách hàng của mình thì cần phải rộng lượng hơn. Đồng quan điểm này, bà Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc khách sạn Hùng Vương, cho hay: “Tất cả các hợp đồng đặt cọc của doanh nghiệp lữ hành đều được đơn vị giải quyết hoàn cọc 100%. Mình khó thì bạn cũng khó, trong khó khăn hiểu nhau, chung tay chia sẻ là điều nên làm, để cùng vượt qua”.
Đối với khách du lịch cũng có thể chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp du lịch bằng những động thái dời lịch tour sang thời điểm thích hợp, thậm chí sang năm sau. Ông Phan Thanh Bình (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết: Tôi có một đoàn khách họp lớp tại Phú Yên gần 100 người, đến giờ chót cũng đành phải hủy vì COVID-19. Tất cả các khâu dịch vụ đã đặt đều được các bên vui vẻ hủy. Rất cảm động trước cách ứng xử này, đợi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xã hội trong trạng thái bình thường mới, chúng tôi lại tổ chức.
TRẦN QUỚI