Phú Yên - xứ sở Hoa vàng cỏ xanh, vùng đất mang vẻ đẹp bình yên, hoang sơ đang trở thành điểm đến thú vị của du khách. Trong ảnh: Hoa hậu và các Á hậu Cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017 tại Danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa. Ảnh: TRẦN QUỚI
Lịch sử phát triển du lịch Việt Nam có từ khá sớm, tuy nhiên hiện hữu và rõ ràng nhất là gắn với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương vào ngày 9/7/1960. Từ đó đến nay, ngành Du lịch đồng hành cùng đất nước, đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030.
Ngoài những kết quả nổi bật nhìn thấy được, đo đếm được, một thành công đáng kể nhất trong thời gian qua của ngành Du lịch Phú Yên là tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của phát triển du lịch, đồng thời thu hút sự quan tâm của chính quyền, các doanh nghiệp và người dân trong hoạt động du lịch. |
1. Trong thời gian đất nước còn chiến tranh chia cắt, nhiệm vụ của ngành Du lịch là phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đón tiếp các vị lãnh đạo, chuyên gia và bạn bè quốc tế, xây dựng nên những cơ sở ban đầu của ngành Du lịch. Sau ngày thống nhất, hệ thống doanh nghiệp, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển. Đây là cơ sở để khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng từ năm 1986, ngành Du lịch có nhiều điều kiện phát triển.
Giai đoạn 1990-2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, trung bình 16%/năm. Khách du lịch nội địa tăng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2017 tăng 2,6 lần, trung bình 15%/năm. Năm 2017 cũng là năm có nhiều dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành Du lịch: Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, du lịch Việt Nam đang khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế đất nước. Tính đến năm 2020, đóng góp của ngành Du lịch vào GDP cả nước là 9,2%, tạo ra hàng triệu việc làm và là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Du lịch Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.
2020 - một năm đã và đang để lại ảnh hưởng đặc biệt với sự phát triển chung của thế giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Trong bối cảnh đó, du lịch từ một ngành kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất bởi COVID-19 đã có sự phục hồi ngoạn mục. Du lịch nội địa đang được kích cầu và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” - “Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, đó là thông điệp kêu gọi của ngành Du lịch và sự phản hồi từ người dân, du khách, kể cả những vị khách quốc tế đang ở Việt Nam cũng cảm nhận sự yên bình, an toàn giữa một đất nước xinh đẹp bên bờ biển.
2. Đối với du lịch Phú Yên, từ năm 1960-1989, dịch vụ du lịch thời kỳ này chủ yếu là lưu trú, ăn uống giải khát nhỏ. Tại TX Tuy Hòa, Công ty Dịch vụ ăn uống - khách sạn và một số khách sạn, nhà nghỉ loại nhỏ như: Khách sạn Hòa Hưng, Khách sạn Đồng Thiên Lầu, một vài quán rượu, quán giải khát, nhà hàng ăn uống quy mô nhỏ. Tỉnh Phú Yên được tái lập vào tháng 7/1989, Sở Thương nghiệp Phú Yên được thành lập, sau đổi thành Sở Thương mại và Du lịch. Công ty Du lịch Phú Yên được hình thành, đưa vào kinh doanh loại hình lưu trú và ăn uống tại Khách sạn Hương Sen và Khách sạn Intershop, đánh dấu bước ngoặt hình thành của ngành Du lịch Phú Yên.
Từ đó đến nay, ngành Du lịch Phú Yên không ngừng được đầu tư phát triển và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Trong đó có những dấu mốc thời gian và sự kiện quan trọng như: Phú Yên đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động có quy mô lớn như: Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014, Cuộc thi Hoa hậu hữu nghị ASEAN 2017... Thương hiệu du lịch, điểm đến Phú Yên ngày càng được lan tỏa rộng rãi qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, điển hình là từ năm 2015, du khách biết đến xứ Nẫu nhiều hơn qua phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển du lịch được quan tâm với nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề được ban hành. Trong đó, cụ thể và mạnh mẽ nhất là Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Hiện tại, ngành Du lịch Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Những mục tiêu cơ bản đề ra trong giai đoạn 2016-2020 có kết quả tiệm cận, có những chỉ tiêu vượt. Tổng lượt khách đến năm 2020 khoảng 8,1 triệu lượt, đạt 116,3% so chỉ tiêu. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 11,2%, ngày lưu trú bình quân là 1,5-2 ngày/khách. Doanh thu du lịch: Ước năm 2020, tổng doanh thu hoạt động du lịch khoảng 2.242 tỉ đồng, đạt 72,3% chỉ tiêu. Toàn tỉnh có 350 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, đạt 140% chỉ tiêu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch ước 6.220 người, đạt 77,7% chỉ tiêu...
Ngoài những kết quả nổi bật nhìn thấy được, đo đếm được, một thành công đáng kể nhất trong thời gian qua của ngành Du lịch Phú Yên là tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của phát triển du lịch, đồng thời thu hút sự quan tâm của chính quyền, các doanh nghiệp và người dân trong hoạt động du lịch.
Trong thời gian đến, ngành Du lịch Phú Yên tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng: Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tập trung công tác lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển du lịch. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.
Nhìn lại lịch sử 60 năm ngành Du lịch Việt Nam, các thế hệ người làm du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch Phú Yên nói riêng có thể tự hào về ngành với những thành tựu đạt được để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
PHẠM VĂN BẢY
Giám đốc Sở VH-TT-DL