Ba vị khách du lịch đặc biệt (từ trái sang: Dương Phú Cường, Võ Hữu Thiện, Đấy Hoàng Sơn) khi đặt chân đến Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Thật ấn tượng với kiểu du lịch trải nghiệm công phu và đầy thử thách của ba người đàn ông đã ngoài 60. Họ đi xuyên Việt bằng xe đạp để thỏa sức ngắm cảnh, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng vùng miền, để thấy thêm yêu đất nước mình hơn, nhất là sau cơn hoành hành của đại dịch COVID-19.
Đó là các ông Võ Hữu Thiện (63 tuổi), Đấy Hoàng Sơn (62 tuổi) và Dương Phú Cường (60 tuổi). Ba người đàn ông này đến từ CLB Xe đạp Land Saigon. Cả ba đều đã về hưu và có chung niềm đam mê là chơi xe đạp thể thao và thích du lịch trải nghiệm.
Cổ vũ du lịch hậu COVID-19
Tour du lịch đặc biệt xuyên Việt bằng xe đạp do ông Thiện khởi xướng và lên ý tưởng từ... năm trước. Chuyến đi được lên kế hoạch một cách chi tiết nhất có thể về thời gian, các cung đường, chặng đường đi hàng ngày, những điểm nhất định phải dừng chân, đặc biệt là công tác hậu cần và chuẩn bị thể lực cho một chuyến đi dài đến 3 tháng ròng. Ông Thiện cho biết: “Để thực hiện chuyến đi để đời này, chúng tôi đã chuẩn bị từ hơn 6 tháng trước, với mục tiêu là khám phá “bản đồ Việt Nam”, sau Tết Nguyên đán sẽ khởi hành. Nhưng dịch COVID-19 ập đến, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, chống dịch như chống giặc, chuyến đi tạm hoãn. Sau khi Việt Nam khống chế được dịch COVID-19, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi như một cách mừng Việt Nam trong việc chống dịch và gửi thông điệp “Việt Nam điểm đến an toàn”.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả mọi ngành, mọi người, nhưng có lẽ ngành Du lịch và các dịch vụ liên quan bị ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất khi tất cả trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Với tinh thần trở lại các hoạt động trong trạng thái bình thường mới và khẩu hiệu của ngành Du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” hậu COVID-19, “bộ ba ông già gân” quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt. “Việt Nam đã tạo được ấn tượng trong công tác chống dịch, và chúng tôi góp phần tạo nên một tượng Việt Nam ở một góc nhỏ khác đó là quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và thông điệp Việt Nam an toàn, chúng tôi an toàn…”, ông Dương Phú Cường chia sẻ.
Đi để thêm yêu đất nước
Điểm cực Đông trên dải đất hình chữ S - mũi Đại Lãnh, nơi các vị khách háo hức muốn khám phá, trải nghiệm hoàng hôn buông và đón ánh bình minh đầu tiên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
“Tôi là người yêu du lịch, đặc biệt là muốn khám phá, trải nghiệm tất cả cảnh đẹp của đất nước mình. Trước đây khi còn đi làm, không có nhiều thời gian, tôi cũng đi du lịch, nhưng không thỏa đam mê. Đi đến đâu cũng thấy đất nước mình thật đẹp và hùng vĩ, đến đâu cũng cảm nhận những phong tục, nét đẹp của đất và người. Khi trở thành “tỉ phú thời gian”, tôi lại đi du lịch để thêm yêu đất nước”, ông Thiện nói.
Hành trình xuyên Việt bằng xe đạp của bộ ba Thiện - Sơn - Cường thật ấn tượng và chuyên nghiệp chứ chẳng phải tay mơ. Với tuổi ngoài 60, khi phải chinh phục quãng đường 6.000km thì không thể lơ là, phải đảm bảo sức khỏe, lên kế hoạch khoa học với các phương án dự phòng. Ông Thiện và hai người bạn đồng hành chia hành trình thành bốn chặng lớn, trong mục tiêu chung là phải đặt chân đến được 4 điểm cực Đông - Bắc - Tây - Nam trên đất liền hình chữ S.
Ông Thiện vạch đường: Chặng một, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh (ngày 6/6) hướng về Hà Nội trên quốc lộ 1 với điểm cực đầu tiên là cực Đông trên đất liền, tại mũi Đại Lãnh (Phú Yên). Sau khi đến Hà Nội, nhóm sẽ đạp đến Hải Phòng rồi đi dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, đi Lạng Sơn, Cao Bằng, đến điểm cực Bắc, cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. Sau đó đoàn lại đạp băng qua Lào Cai để đến điểm cực Tây ở Điện Biên, đó là chặng hai.
Chặng ba, nhóm vòng về Hà Nội và rồi hướng thẳng về miền Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn huyền thoại. Chặng thứ tư là vòng quanh các tỉnh miền Tây sông nước, đặt chân lên cực Nam ở Năm Căn - Cà Mau trước khi trở lại TP Hồ Chí Minh sau 90 ngày.
Thực ra, theo ông Thiện, với hành trình hơn 6.000 cây số trong 90 ngày không phải là quá căng thẳng, bởi bình quân mỗi ngày chỉ đạp chưa đến 70km. Hơn nữa, đây không phải lần đầu nhóm đi xa. Năm 2009, ông Thiện và những người bạn CLB Xe đạp Land Saigon đã ngược xuôi Sài Gòn - Hà Nội, rồi chuyến phiêu lưu xuyên ba quốc gia Việt Nam - Campuchia - Thái Lan (năm 2015), hay tour đi thám hiểm 7 tỉnh biên giới phía Bắc (năm 2017)… “Lần này khác hơn một chút là thời gian dài hơn, các chặng cũng ngắn hơn, nhưng cũng có ngày đạp đến 185km là bình thường, như chặng đầu tiên Sài Gòn - Phan Thiết chẳng hạn. Chúng tôi cũng có một xe hậu cần đi theo, để khi đến một điểm dừng chân nào đó sẽ đi du lịch bằng ô tô, hoặc gặp địa hình, thời tiết quá khắc nghiệt thì có phương án hỗ trợ. Đặc biệt, thành viên của đoàn còn có một lương y có thể hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khi cần”, ông Thiện nói.
Người Phú Yên thật thà, nồng hậu
Khi biết tin nhóm du lịch xuyên Việt bằng xe đạp của ông Thiện đến Phú Yên, chị Nguyễn Huỳnh Hiếu Hạnh, Giám đốc Khách sạn Kaya đã liên lạc với Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch và Hội Mô tô - Xe đạp Phú Yên lên phương án đón các vị khách du lịch đặc biệt này. Năm anh em CLB Xe đạp Minh Cây Phượng đã đạp xe vào tận chân đèo Cả để đón đoàn về khách sạn trong sự đón đợi của nhân viên khách sạn với nụ cười và bó hoa tươi thắm.
“Chúng tôi thật xúc động trước sự nhiệt tình, mộc mạc của các bạn Phú Yên. Chỉ là quen biết sơ giao vậy mà các bạn CLB xe đạp đã vào tận điểm giáp ranh (đèo Cả) để đón chúng tôi. Đó còn là bữa cơm thân tình, những cái bắt tay, hướng dẫn các điểm đến một cách không thể nhiệt tình hơn. Điều này khiến chúng tôi nhớ đến chuyến đi cách đây 5 năm đến Thái Lan, cũng ngỡ ngàng với sự đón tiếp trọng thị của người Thái. Chào đón chúng tôi là hội những người đạp xe phong trào và được dẫn đường bởi các cảnh sát du lịch xứ Chùa vàng. Đến Bangkok, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan - ông Pongsathorn Kessasamli tổ chức một buổi gala vinh danh những cua rơ nghiệp dư và trao chứng nhận chuyến hành trình”, ông Thiện bộc bạch.
Còn ông Đấy Hoàng Sơn thì xuýt xoa trước vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành của vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh: “Chúng tôi chỉ có hai ngày ở Phú Yên nhưng dành hai lần đến Bãi Môn - mũi Đại Lãnh, điểm cực Đông của đất nước để chứng kiến cảnh hoàng hôn và đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền. Chúng tôi đến danh thắng quốc gia độc nhất vô nhị của Việt Nam; được thưởng thức các món ăn xứ Nẫu đậm đà, các món hải sản tươi ngon và rẻ...”.
Trong khi đó, lương y Dương Phú Cường có cảm nhận ở một góc khác về sự kết hợp giữa du lịch và Đông y: “Tôi luôn quan tâm tìm hiểu về những cây thuốc quý trên đường đi. Ở Phú Yên, vùng đèo Cả có rất nhiều cây thuốc quý như: nhàu rừng, dứa dại, cam thảo, rau muống biển... nhưng có thể chưa được khai thác và bảo tồn để phục vụ nhu cầu chữa bệnh và du lịch. Và tôi đặc biệt ấn tượng khi đến tham quan Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất Dược liệu miền Trung, một điểm đến tuyệt vời nếu du khách quan tâm tìm hiểu các loài thảo dược bồi bổ sức khỏe. Ở trung tâm này, bào chế dược liệu đúng với tinh thần Đông y học là “sạch - sinh (sự sống, tươi mới) - sơ (nguyên bản, nguyên vị)”.