Khẩu hiệu kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” còn chưa kịp ráo mực, các điểm tham quan buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VĂN TUẤN
Sau những thiệt hại do COVID-19 gây ra trong đợt đầu năm, “cú bồi” lần này đã khiến doanh nghiệp du lịch càng rơi vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thách thức lớn, thậm chí phá sản. Trong tình hình này, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp.
Khi chiến dịch kích cầu đang phát huy hiệu quả, khách hàng đặt kín lịch tour trong suốt tháng 8 thì dịch COVID-19 tái diễn. Hàng trăm ngàn lượt du khách hủy tour, đi kèm với yêu cầu hoàn lại tiền cọc 100%.
Lữ hành khó quá là khó
Trong chuỗi cung ứng dịch vụ để tạo nên sản phẩm du lịch hoàn chỉnh đến khách hàng, doanh nghiệp lữ hành là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt dịch COVID-19 tái phát này. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, cho biết: Cùng với chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, du lịch nội địa đang khôi phục rất tốt. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng với nhiều du khách và đi đến quyết định hủy/hoãn tour hàng loạt. Điều này nằm ngoài mong muốn của tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ và khiến các doanh nghiệp lữ hành trở tay không kịp. Khách hủy tour, yêu cầu hoàn lại tiền, trong khi đó, các đối tác cung ứng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ liên quan, hàng không và công ty lữ hành lại chưa tìm được “tiếng nói” chung.
Tại hội nghị trực tuyến chiều 7/8 do Tổng cục Du lịch tổ chức, hầu hết doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đều chung cảnh ngộ “khó quá khó”. Bà Vũ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Du lịch Khánh Loan Tourist (Đồng Nai) cho biết, dù đã có thông báo gửi đến khách hàng về việc hoàn tiền, nhưng có khách hàng đến đòi 100% tiền đặt tour, thậm chí hăm dọa. “Khách hàng đổ lỗi cho doanh nghiệp lữ hành, trong khi các đơn vị cung ứng dịch vụ lại không hoàn trả tiền đã đặt dịch vụ trước đó. Đây là điều bất hợp lý và gây sức ép đối với các doanh nghiệp lữ hành vốn đã rất khó khăn”, đại diện một công ty lữ hành than thở.
Giải quyết khó khăn này, vừa qua Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi các địa phương, hiệp hội thành viên trao đổi về việc vận động các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, thảo luận việc hoàn tiền cọc một cách hợp lý nhất. Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho hay: “Chúng tôi hết sức chia sẻ với doanh nghiệp du lịch trước nhiều khó khăn và những bất tiện do COVID-19 gây ra. Sở VH-TT-DL đã có văn bản đến hiệp hội du lịch tỉnh và từng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch: lưu trú, vận tải, ăn uống... để thỏa thuận giải quyết vấn đề này. Tại Phú Yên, các doanh nghiệp cung ứng đều ủng hộ việc chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp lữ hành, nhằm vượt qua khủng hoảng”.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lữ hành là việc hoàn lại tiền vé máy bay cho khách hàng. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành Phú Yên cho biết, việc đàm phán với hàng không để hoàn tiền cho khách đang gặp khó vì điều kiện mà các hãng hàng không đưa ra quá ngặt nghèo. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành chưa có cơ sở để giải quyết 100% tiền tour cho khách. “Nhiều chặng tour, giá vé máy bay chiếm đến phân nửa số tiền tour của khách hàng nên việc giải quyết của các hãng hàng không đến thời điểm hiện tại là chưa hợp lý, gây sức ép cho doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là trong thời điểm cần chia sẻ khó khăn như hiện nay”, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Huế Tourist, nêu ý kiến.
Chung tay chia sẻ, vượt khó
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ từ các địa phương, doanh nghiệp cho thấy con số du khách hoãn, hủy tour du lịch đã lên cả trăm ngàn trên cả nước, gây thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch. Đáng chú ý, tỉ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90% trong tháng 8, hiện nhiều trung tâm du lịch lớn của cả nước cũng đã xác nhận tỉ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% do tình hình diễn biến dịch COVID-19 quá phức tạp.
Vừa khắc phục hậu quả, vừa phải sống chung với dịch bệnh, chung tay chia sẻ những khó khăn là điều mà các doanh nghiệp du lịch hiện nay tiếp tục phát huy nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi cho khách hàng.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành Du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành”.
Bên cạnh sự chia sẻ giữa các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong cả nước cũng đề xuất Tổng cục Du lịch kiến nghị Chính phủ có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đến nay, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong đợt dịch đầu năm vẫn chưa đến được doanh nghiệp và người lao động. Thêm đợt khủng hoảng lần này, doanh nghiệp vô cùng khó khăn. “Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp du lịch, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách giảm 50% thuế VAT doanh nghiệp du lịch đến ít nhất giữa năm 2021; dịch vụ điện nước, viễn thông áp dụng mức giá ưu đãi; giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới các doanh nghiệp có điều kiện; giải ngân gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành; hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch; giảm khoản tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành”, ông Dũng nêu.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các ý kiến kiến nghị, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ; đồng thời tiếp tục kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch.
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, trong đó có ngành Du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các hiệp hội du lịch thành viên và hội viên trên cả nước tập trung phối hợp với sở quản lý du lịch các địa phương tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thống nhất giải pháp tháo gỡ tình trạng hủy, hoãn tour du lịch. Tôn trọng quyền lợi của du khách, đảm bảo không ép buộc, không gây tăng chi phí khi dịch chuyển tour của du khách. Tìm giải pháp để thuyết phục khách chuyển tour đã mua sang coupon (phiếu mua hàng) hoặc sang các tour mới ở thời gian thích hợp, thuận lợi cho du khách. |
TRẦN QUỚI