Đông đảo du khách tham quan du lịch tại cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: NGỌC CHUNG
Sơn Hòa có tài nguyên thiên nhiên đa dạng với rừng nguyên sinh, rừng rậm nhiệt đới, có hệ thống động thực vật quý hiếm, nhiều thắng cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Cùng với đó, Sơn Hòa tự hào là nơi có đa sắc màu văn hóa từ cộng đồng 14 dân tộc anh em. Đặc biệt có cao nguyên Vân Hòa thơ mộng như Đà Lạt giữa miền nắng gió xứ Nẫu.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy, ngành công nghiệp không khói ở Sơn Hòa đang định hình và nổi lên từ nhiều nỗ lực của huyện.
Huyện Sơn Hòa Dần trở thành ngành kinh tế quan trọng
Với quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, năm 2016, Huyện ủy Sơn Hòa ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Chương trình phát triển du lịch của huyện đã được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương và có sự đồng thuận cao giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, phát triển du lịch. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn, ngành Du lịch huyện có sự đóng góp quan trọng trong giá trị về dịch vụ, thương mại của huyện, riêng năm 2017 đạt mức tăng 17,67%.
Từ đó đến nay, số lượt khách đến tham quan, du lịch nhộn nhịp lên từng năm, với mức từ 18-20% (khoảng 120.700 lượt người). Nhiều địa điểm ở Sơn Hòa như các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; khu sinh thái Long Vân, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao BB Farm tại xã Sơn Long; các điểm tham quan vườn cây đỏ tại các xã Sơn Xuân, Sơn Long; điểm đến Long Vân, điểm dừng chân Sơn Định và một số điểm tham quan khác như thác Hàn, suối Đá Sơn Xuân, vực Đá nhà Sơn Long; suối Khế Sơn Định… đã nhanh chóng có tên trong cẩm nang du lịch của du khách.
Nhờ nỗ lực quảng bá, cao nguyên Vân Hòa đã trở thành miền đất hứa của nhiều nhà đầu tư lớn. Điển hình là Tập đoàn TH True Milk, năm 2017 khởi công xây dựng dự án nuôi bò sữa tại xã Sơn Định. Dự án lớn này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có ngành Du lịch.
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tâm Thành Đạt, một trong những doanh nhân trẻ đầu tiên từ TP Tuy Hòa lên Sơn Định đầu tư vào ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, phấn khởi cho biết: “Từ năm 2018, tôi mở điểm dừng chân Sơn Định kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách và có thu nhập khá từ hoạt động kinh doanh này. Có thể nói du lịch ở Vân Hòa đã có nhiều khởi sắc, du khách đến Vân Hòa ngày càng đông và tín hiệu vui là có nhiều nhà đầu tư đã và dự định đến đây để đầu tư các điểm kinh doanh du lịch hoành tráng”.
Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa Nguyễn Thiện Tình cho biết, huyện Sơn Hòa đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú; phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, giải trí. Vận động các hộ cá thể tổ chức dịch vụ giải trí, ăn uống, giải khát, bán các sản phẩm lưu niệm tại các điểm đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện. Đặc biệt, một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được duy trì, như trình tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, múa xoang tại các xã Krông Pa, Cà Lúi, Ea Chà Rang; tổ chức thi dệt thổ cẩm tại xã Suối Trai để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân và phục vụ khách tham quan.
Ngoài ra, huyện đã nỗ lực phối hợp với Sở VH-TT-DL lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận xếp hạng đối với một số di tích lịch sử nổi tiếng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. “Có thể nói di tích lịch sử, văn hóa của huyện là những điểm đến hấp dẫn, góp phần đáng kể trong việc thu hút, nâng cao số lượng khách đến tham quan, du lịch”, ông Tình cho hay.
Bằng các giải pháp khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch, UBND huyện Sơn Hòa đã hỗ trợ vốn khuyến công để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đã có thương hiệu; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá và kinh doanh giới thiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng, những món ăn đặc sản dân giã. Nhờ vậy, hiện nay một số sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương được du khách ưa chuộng như mắm thơm, bò một nắng, gà vườn, rượu cần...
Cao nguyên Vân Hòa lãng mạn, thanh khiết như một bức tranh. Ảnh: MẠNH HÙNG |
Huyện Sơn Hòa Phấn đấu thu hút trên 137.000 lượt du khách
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Hòa cho biết, nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị, phấn đấu nâng cấp thị trấn Củng Sơn lên đô thị loại IV, đồng thời huyện cũng đẩy nhanh việc lập quy hoạch chi tiết đô thị mới Vân Hòa làm căn cứ triển khai các dự án đầu tư, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Cùng với đó, để trở thành “điểm đến thân thiện và hấp dẫn”, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sơn Hòa tiếp tục thực hiện tinh thần phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, bản sắc văn hóa các dân tộc; phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đạt trên 137.000 lượt người.
Để thực hiện mục tiêu này, Sơn Hòa tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch trên địa bàn; hình thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng, xây dựng đề án bảo tồn và phục dựng lại một số giá trị văn hóa dân tộc. Từng bước hình thành đội ngũ những người làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch của huyện.
Để Sơn Hòa trở thành “điểm đến thân thiện và hấp dẫn”, ngày càng thu hút du khách, người Sơn Hòa phải biết làm du lịch chuyên nghiệp. Đây là vấn đề có tính quyết định. Chúng tôi quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, nhân viên và những người dân làm du lịch trên địa bàn huyện có đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ về công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến, kinh doanh du lịch...
Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung |
THANH HỘI - MẠNH HÙNG