Nhiều giải pháp được các chuyên gia du lịch, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đặt ra để phục hồi ngành Du lịch hậu dịch COVID-19. Một trong những giải pháp trực tiếp là các doanh nghiệp ngồi lại với nhau để xây dựng một chính sách giá hợp lý, kích cầu du lịch nội địa.
Thị trường du lịch nội địa lâu nay vẫn chiếm một tỉ trọng lớn trong doanh thu của ngành và được xem là thị trường dễ tính. Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thị trường khách nước ngoài sụt giảm về đáy và khó có thể phục hồi ngay trong thời điểm hiện tại thì thị trường khách nội địa là nguồn cứu cánh, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp du lịch phải đầu tư chăm chút hơn.
Lựa chọn của nhiều nhóm du khách nội địa hiện nay là du lịch biển đảo, thiên nhiên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Xu hướng du lịch đã thay đổi
Trong tình hình bình thường mới sau cao điểm dịch COVID-19, chắc chắn các hoạt động kinh tế - xã hội thay đổi, và du lịch cũng không ngoại lệ. Tại hội nghị bàn “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19” do Tổng cục Du lịch phối hợp Ban IV (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những kết quả khảo sát cho thấy sự thay đổi về xu hướng du lịch. Nắm bắt được xu hướng sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách phát triển, các doanh nghiệp nhận diện đặc điểm khách hàng phát triển sản phẩm du lịch, cách tiếp cận phù hợp.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB, trong cuộc khảo sát được tổ chức trên báo điện tử VnExpress và Google cho thấy, xu hướng du lịch của khách hàng nội địa đã thay đổi theo 5 hướng chính sau giãn cách xã hội. Đầu tiên là thị trường du lịch nội địa bắt đầu phục hồi trở lại vào giữa tháng 4 với trên 50% người được khảo sát sẵn sàng du lịch trở lại. Thứ hai là ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có ưu đãi, giảm giá và an toàn. Thứ ba là xu hướng muốn du lịch biển và thiên nhiên (chiếm 67%). Thứ tư là xu hướng khách lựa chọn đi tour ngắn ngày, gần nơi sinh sống và lựa chọn đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè, gia đình (70%). Thứ năm là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến, trong đó có tới 62,1% muốn đi du lịch tự túc (chỉ có 15% chọn đi du lịch theo đoàn, mua tour thông qua dịch vụ lữ hành).
“Những xu hướng này giúp các địa phương, doanh nghiệp nhìn ra lợi thế của mình trong việc ưu tiên chọn lựa và định hướng sản phẩm du lịch thế mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần quan tâm, đầu tư đẩy nhanh chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng năng lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ số”, ông Trần Trọng Kiên nhận định.
Xu hướng khách hiện nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Sản phẩm mới, giảm giá, an toàn
Du lịch luôn đòi hỏi khám phá điểm đến mới, sản phẩm mới và chất lượng cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, khi trải qua một thời kỳ khủng hoảng vì COVID-19 thì trong sản phẩm du lịch còn đặt thêm yếu tố an toàn lên hàng đầu. Trước đây, khái niệm an toàn gắn với an ninh xã hội, tránh những tai nạn, sự cố đáng tiếc thì hiện nay an toàn còn mang ý nghĩa y tế, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh COVID-19. “Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Phú Yên, từ khi hết lệnh giãn cách, cho phép các hoạt động kinh doanh trở lại đều được quán triệt và thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 như: kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, trang bị nước rửa tay, khẩu trang, giữ khoảng cách...”, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết.
Theo ông Ngô Văn Định, chủ nhà hàng Cơm niêu Tuy Hòa, trong các giải pháp kích cầu du lịch hiện nay, trực tiếp nhất mà các doanh nghiệp cân nhắc đưa ra chính là giá hấp dẫn ưu đãi, chấp nhận không lãi để vận hành liên tục. Đồng thời, hiệp hội làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp ngồi lại xây dựng combo sản phẩm trọn gói cho các tour du lịch với giá ưu đãi. Trên cơ sở đó, bản thân các doanh nghiệp lữ hành và cả hiệp hội cùng chung tay đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm kích cầu này. “Đối với nhà hàng Cơm niêu Tuy Hòa, chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ an toàn, đồng thời giảm giá 50% hóa đơn sản phẩm và khách hàng được nợ trong thời gian một năm. Chương trình này áp dụng từ đây đến hết năm 2020”, ông Định nói.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất ngoài việc nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc giảm giá, các địa phương cũng cần tham gia chiến dịch này, giảm từ 30-50% giá tham quan các di tích lịch sử, văn hóa do Nhà nước quản lý. Các hiệp hội du lịch địa phương kết nối với các doanh nghiệp ngồi lại ký cam kết với nhau về chính sách giá một cách tự nguyện và quảng bá mạnh sản phẩm kích cầu; đặc biệt là tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch an toàn để người dân yên tâm đi du lịch.
Cũng trong quan điểm chung về giảm giá sản phẩm dịch vụ để kích cầu du lịch, các chuyên gia du lịch cũng lưu ý các doanh nghiệp không nên bất chấp tất cả để giảm giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, hậu quả là hạ thấp chất lượng dịch vụ.
“Cùng với phát triển sản phẩm mới và an toàn, giải pháp giảm giá được xem là trực tiếp và dễ thuyết phục khách hàng nhất để kích cầu du lịch trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, không vì thế mà các doanh nghiệp đua nhau giảm giá để kéo được khách. Dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí ngắc ngoải, vì vậy cạnh tranh giảm giá về đáy, bán sản phẩm dưới giá thành trực tiếp sản xuất không phải là giải pháp, mà còn kéo lùi sự phát triển”.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên |
TRẦN QUỚI